Cháu Nguyễn Trà Giang (Thanh Hóa) đang tuổi lớn nên nổi rất nhiều mụn trên mặt. Thấy các bạn trong lớp mách nặn mụn, lấy hết nhân ra sẽ nhanh khỏi nên cháu làm theo. Về nhà, cháu đứng trước gương hàng tiếng để nặn mụn cho đến khi mặt đỏ tưng bừng.
Tuy nhiên, mụn nặn ở chỗ này lại mọc lên chỗ khác, một số mụn nặn rồi còn có hiện tượng sưng tấy, kết quả là cháu phải đi khám và dùng kháng sinh để tránh nhiễm trùng.
BS Thy Ra, chuyên gia chăm sóc da tại Hà Nội cho biết, mụn trên mặt khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, muốn giải quyết ngay. Việc đưa tay lên nặn mụn vô tình mang theo vi khuẩn, bụi bẩn từ bàn tay xâm nhập vào da và khiến tình trạng mụn càng trở nên nghiêm trọng. Mụn giống như một túi nhỏ dưới da chứa dầu nhờn, vi khuẩn.
Nặn mụn đồng nghĩa với việc ép các tác nhân này vào vùng da xung quanh, dễ dẫn đến nhiễm trùng và làm đen sạm vùng da xung quanh. Sau khi nặn, chỗ viêm nhiễm dễ để lại sẹo.
Tốt nhất không nên nặn mụn, để cho nó tự tiến triển. Sau một thời gian, chất bã trắng sẽ tự bật ra khi đủ điều kiện và da tự lành. Muốn mụn mau lành nên ăn uống đủ chất, sinh hoạt lành mạnh, tránh kích ứng, sờ tay lên da mặt để cải thiện tình trạng mụn.