Nấm đắt nhất thế giới?
Theo thông tin đăng tải trên một số báo, diễn đàn, loại nấm Matsutake – hay còn gọi là tùng nhung – được xem là loại nấm có giá đắt đỏ nhất thế giới đang “cháy hàng” tại Việt Nam dù giá bán của chúng lên tới 10-30 triệu đồng/kg tùy thời điểm.
Chị Đào Thu Phượng ở Khu đô thị Ciputra (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng nấm Tùng nhung là vua của các loài nấm, phải đặt mua đúng nửa tháng mới có với giá 4,5 triệu đồng/khay nấm 250gram này mà chưa bao gồm giá chuyển máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Nấm tùng nhung này được là vua của các loài nấm vì chỉ khai thác được trong tự nhiên chứ chưa thể trồng nhân tạo được. Đặc biệt, chúng chỉ sinh trưởng trên rễ của cây thông còn sống và xuất hiện vào mùa thu hàng năm tại cánh rừng thông nên loại nấm này rất quý hiếm.
“Dịp này nấm đang vào mùa nên giá giảm xuống chỉ còn 18 triệu đồng/kg, còn riêng đầu mùa và cuối mùa, tôi phải đặt mua với giá khoảng 25 triệu đồng/kg”. Chị nói và cho biết, nấm Tùng nhung có mùi vị rất đặc thù, thịt dày và béo, ăn giòn, ngọt thanh cùng hương thơm thoang thoảng quyến rũ. Tuy nhiên, theo chị Phương, loại nấm này đặt mua khá khó khăn vì ở Việt Nam ít người bán.
Theo một người bán hàng ở TP HCM thì dù có giá siêu đắt đỏ nhưng nấm Tùng nhung vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng” do cung không đủ cầu. Tại Việt Nam nấm Tùng nhung tươi được bán với dao động từ 18-30 triệu đồng tùy thời điểm. Đây là loại nấm có giá gần như đắt đỏ nhất trên thế giới.
Cho rằng điều này là không chính xác, GS Trịnh Tam Kiệt, chuyên gia hàng đầu về nấm, Viện Công nghệ Sinh học cho biết, nấm Matsutake hay còn gọi là nấm thông, nấm tùng nhung là loại nấm phổ biến ở Nhật Bản, được người dân ở đây ưa chuộng và có giá thành chỉ khoảng vài chục USD/kg. Loại nấm đắt nhất thế giới không phải là nấm Matsutake mà có rất nhiều loại khác nhau, ví dụ như nấm cục là loại nấm cực đắt cũng chỉ có giá đến 500 USD/kg.
Chỉ là chiêu thổi giá
Nói về mức giá quá cao của loại nấm Matsutake khi được nhập khẩu, đã được nhiều người “xuống tiền” mua về ăn, GS Trịnh Tam Kiệt cho rằng đó là một hình thức “đốt tiền”. Nấm Matsutake có giá thành chỉ vài chục đến 100 USD/kg là cao.
Không có chuyện đến hàng nghìn USD/kg như thông tin trên một số báo đăng tải. Rất có khả năng đây chỉ là chiêu thổi giá của một số cơ sở kinh doanh nhằm kiếm lời. Giá trị của nấm Matsutake không có gì đặc biệt.
Theo quảng cáo thì nấm Matsutake chứa tám axit amin thiết yếu mà còn có một lượng lớn vitamin B1, B2, C và PP, không chỉ là món ăn giá trị dinh dưỡng cao mà được xem là loại dược liệu đặc biệt.
Loại nấm này có tác dụng kiện thân, có lợi cho đường ruột, giảm đau, ích khí, tiêu đờm, chống viêm, tẩy giun và các giá trị khác. Thực tế các loại nấm ăn được đều có nhiều dưỡng chất tương đương.
“Dân mình hay có tâm lý thái quá với những thực phẩm lạ mà không hiểu bản chất nó là gì. Giống như nấm đông trùng hạ thảo, giờ cứ gọi nhộng trùng thảo là đông trùng hạ thảo rồi bỏ tiền ra mua. Hay như nấm lim xanh cũng bị thổi phồng tác dụng và giá thành.
Mình mà nói thì động chạm đến vấn đề kinh doanh. Nhưng ở góc độ khoa học thì cần phải rõ ràng. Đừng phí tiền bỏ ra nhất là những khoản tiền rất lớn để mua về những sản phẩm chỉ có tác dụng ở những lời đồn thổi mà chính bản thân mình không hiểu rõ về chúng”, GS Trịnh Tam Kiệt cho biết.
“Nấm Matsutake thường mọc ở các vùng núi rừng núi cao có cây tùng và cây thông. Vì mọc trên cây tùng và cây thông nên gọi là nấm tùng nhung hoặc nấm thông. Ở Việt Nam chưa có điều tra nào nhưng cũng có thể có loại nấm này ở vùng núi Sa Pa (Lào Cai)”, GS Trịnh Tam Kiệt.
Bảo Khánh