Trường hợp hy hữu này xảy ra đối với nam thanh niên 20 tuổi ở Vĩnh Phúc. Khi đang ngủ, người bệnh đột ngột cảm thấy đau, buốt kèm theo ù tai phải nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc thăm khám.
Qua thăm khám phát hiện trong ống tai ngoài bên phải của người bệnh có dị vật là một con gián vẫn còn sống.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành loại bỏ dị vật và vệ sinh lại ống tai nhằm tránh nhiễm trùng cho người bệnh.
Trước đó, các bác sĩ cũng vừa tiếp nhận bệnh nhi (10 tuổi) đến khám với tình trạng tai phải đau nhiều, đau lan lên thái dương và xuống cổ cùng bên kèm theo sưng hạch cổ ba ngày nay. Ngoài ra, không chảy dịch tai hay ù tai, nghe kém.
Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy ống tai ngoài bên phải có hình ảnh dị vật màu trắng kèm theo máu cục. Bác sĩ tiến hành làm sạch máu cục và phát hiện dị vật là một loại ký sinh trùng và lập tức loại bỏ khỏi tai bệnh nhi.
Dị vật được xác định là "ve chó" (hay còn gọi là bọ chét) là loài ký sinh trùng có thể gây bệnh và làm vật trung gian truyền nhiễm một số bệnh ở người, không chỉ gây hại trên động vật, ve chó còn lan truyền virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khi cắn người.
Các bác sĩ cho biết, khi ve chó chui vào tai, mũi mà không phát hiện kịp thời để gắp ra thì ngoài việc hút máu, nó có thể ký sinh trong tai, hoặc bị chết, lâu ngày khiến tai ngoài bị viêm, loét, chảy mủ, thậm chí có thể gây thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.
BS Trịnh Xuân Anh, kkhoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo, khi côn trùng chui vào tai người bệnh cần bình tĩnh xử trí bằng cách dùng nước sạch (nước lọc hoặc nước muối) đổ vào tai nghi ngờ có dị vật, giữ nguyên 10 -15 phút để côn trùng chết hoặc bay ra khỏi tai.
Tuy nhiên, cách tốt nhất là sau khi phát hiện có dị vật trong tai thì nên lập tức đi khám chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt, qua đó bác sĩ có thể dễ dàng lấy dị vật ra ngoài bằng dụng cụ y tế chuyên biệt.
Tuyệt đối không nên cố gắng tự lấy dị vật ra để tránh làm tổn thương ống thính giác bên ngoài hoặc dị vật làm tổn thương sâu hơn màng nhĩ.
Để phòng ngừa côn trùng chui vào tai nên ngủ trên giường, không ngủ trên nền/sàn nhà chú ý mắc màn cẩn thận trước khi đi ngủ.
Thường xuyên vệ sinh môi trường sống xung quanh, nhất là các gia đình có nuôi thú cưng như chó, mèo. Đối với vật nuôi, nên thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ nơi ở của chúng.
Khi một trẻ khỏe mạnh bình thường, không sốt, không chảy mũi mà xuất hiện triệu chứng đau, ngứa, chảy dịch ở tai, phụ huynh nên nghĩ đến khả năng có côn trùng ký sinh và đưa đến cơ sở y tế thăm khám ngay để được xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.