Áp lực lạm phát với giá cả tăng vọt
2021 là năm nỗi lo lạm phát dâng lên khắp toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Nguyên liệu đầu vào từ thị trường thế giới khan hiếm, nguồn cung trong nước giảm trong khi một số nơi có dấu hiệu găm hàng khiến giá cả không ngừng leo thang.
Hàng loạt chuỗi cung ứng đứt gãy
"Hàng thiết yếu" trở thành một từ khóa của năm 2021. Do thực hiện dãn cách xã hội nên mọi chuỗi cung ứng của xã hội đều bị đứt gãy. Ngay cả đến khi người dân được đi lại tự do thì các doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi cảnh lao đao.
GDP quý lần đầu tăng trưởng âm
Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quý năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm vào quý III.
Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Hai trong ba trụ cột chính để tính GDP gồm công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều "ngấm đòn" nặng nề. Đó là hệ quả của việc hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Quý III cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế TPHCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.
Tỷ lệ mất việc, doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục
Hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý III, tăng đến nửa triệu so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế. 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.
Bình quân mỗi tháng khoảng 9.700 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Theo Tổng cục Thống kê, chưa khi nào lịch sử ghi nhận số doanh nghiệp khai tử nhiều hơn mới thành lập như vậy. Và đây còn chưa có phản ảnh hết thực tế.
Chứng khoán liên tục lập đỉnh
Năm 2021 là 1 năm lập đỉnh với khi VN-Index phá đỉnh 1.204 điểm của tháng 4/2018 rồi chinh phục kỷ lục mới 1.500 điểm. Chỉ số này tăng hơn 34% kể từ đầu năm, nằm trong nhóm đầu thế giới về tỷ suất sinh lời.
Thị trường đón hơn 1,3 triệu tài khoản mới của nhà đầu tư trong nước, riêng tháng 11 bằng 8 tháng đầu năm ngoái cộng lại. Có tháng, bình quân mỗi phiên của ba sàn (HoSE, HNX và UPCoM) vượt 40.000 tỷ đồng, gấp 6 lần mức của năm ngoái.
Chưa hết, có phiên hơn 1,8 tỷ cổ phiếu được sang tay và thanh khoản lập kỷ lục 56.337 tỷ đồng.
Năm nay cũng là một năm làm chủ đối với nhà đầu tư trong nước khi mua ròng 84.000 tỷ đồng và không hề nao núng khi khối ngoại đã bán ròng gấp ba lần năm ngoái với 55.000 tỷ.