<div> <p>Tờ <em>The Guardian </em>đưa tin mạng internet tại Myanmar đã bị cắt vào đêm 14-2, vài giờ sau khi xe bọc thép xuất hiện tại một số thành phố, dấy lên lo ngại về tình hình biểu tình tại nước này.</p> <p>Trước động thái trên, các nhà ngoại giao các nước tại Myanmar đã đưa ra cảnh báo rằng “thế giới đang theo dõi", đồng thời <span>Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar</span> cũng cảnh báo về "các chuyển động quân sự" tại đây.</p> <p class="item-photo"><img alt="Myanmar: Xe bọc thép xuất hiện, Đại sứ quán Mỹ cảnh báo - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/02/15/photo-cms-plo-zadn-vn_myanmar3_tpgk.png" /><br /> <em class="image_caption">Xe bọc thép xuất hiện tại thành phố Yangon hôm 14-2. Ảnh: <span><em>THET HTOO/AFP</em></span></em></p> <p>Truyền thông Myanamar hôm 14-2 đã phát cảnh quay trực tuyến cho thấy xe bọc thép đã xuất hiện trên đường phố tại các thành phố Yangon, Myitkyina và Sittwe. Đây được xem là lần đầu tiên quân đội Myanmar huy động lực lượng quy mô lớn kể từ khi xảy ra chính biến ngày 1-2. </p> <p>Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar tối 14-2 đã cảnh báo về "các chuyển động quân sự" tại thành phố Yangon, cũng như về khả năng gián đoạn truy cập internet.</p> <p>Đại sứ quán Mỹ đã kêu gọi công dân của mình "trú ẩn tại chỗ" vào tối 14-2 (theo giờ địa phương), sau khi ba xe bọc thép lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Yangon kể từ xảy ra cuộc chính biến.</p> <p>Đại sứ quán Mỹ cũng cảnh báo "hệ thống viễn thông có khả năng bị gián đoạn từ 1 giờ đến 9 giờ sáng 15-2 (giờ địa phương).</p> <p>Khoảng 1 giờ 30 sáng 15-2, dịch vụ giám sát Internet Netblocks cho biết kết nối internet tại nước này đã giảm xuống còn 14% so với mức thông thường. Các hoạt động liên lạc thông qua email hay ứng dụng nhắn tin đều không thể thực hiện được.</p> <p>Các đoạn video và hình ảnh chưa được kiểm chứng được đăng tải trên mạng xã hội cũng cho thấy những chiếc xe tải quân sự chở quân trên đường phố Yangon.</p> <p>Trước tình hình trên, một nhóm đại sứ các nước tại Myanmar, gồm các đặc phái viên từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Canada, đêm 14-2 đã ra một tuyên bố kêu gọi "các lực lượng an ninh kiềm chế bạo lực đối với những người biểu tình và dân thường”.</p> <p>“Chúng tôi ủng hộ người dân Myanmar trong hành trình vì dân chủ, tự do, hòa bình và thịnh vượng. Thế giới đang theo dõi” – các nhà ngoại giao nhấn mạnh trong tuyên bố.</p> <p>Theo <em>The Guardian, </em>chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước cũng như các cuộc đình công của công nhân làm việc trong các cơ quan nhà nước.</p> <p>Các binh sĩ đã được triển khai tới các nhà máy điện ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar. Đối đầu giữa quân đội và người biểu tình xảy ra ở đây khi nhiều người cáo buộc quân đội đang có ý định cắt điện.</p> <p>Theo đoạn video được phát trực tiếp trên Facebook, lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng để giải tán những người biểu tình bên ngoài một nhà máy điện ở thủ phủ Myitkyina của bang Kachin. Tuy nhiên, chưa rõ lực lượng an ninh sử dụng đạn cao su hay bắn đạn thật.</p> <p>Cũng theo bài đăng trên Facebook, hai nhà báo từ trang tin tức <em>The 74 Media</em> cùng ba nhà báo đến từ các tờ báo khác đã bị bắt giữ khi đang phát sóng trực tiếp từ nơi xảy ra cuộc đối đầu giữa quân đội và người biểu tình.</p> <p>Trước đó, quân đội Myanmar hôm 13-2 đã đình chỉ thi hành một số quy định hạn chế việc các lực lượng an ninh khám xét và bắt giữ người mà chưa có quyết định của tòa án. Lệnh mới của quân đội cũng tạo điều kiện cho việc theo dõi, giám sát liên lạc của người dân.</p> <p>Ngày 1-2, quân đội Myanmar đã bất ngờ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo cấp cao của chính quyền dân sự. Động thái này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ người dân Myanmar cũng như cộng đồng quốc tế.</p> </div> <p> </p>