Mỹ và các đồng minh chuyển vũ khí cho Ukraine, Nga cảnh báo “hậu quả khò lường”

Ngày 15/4, Nga đã gửi công hàm chính thức cho Mỹ, cảnh báo về "hậu quả khó lường" khi Washington và các đồng minh trang bị thêm vũ khí cho Ukraine

Theo Washington Post, công hàm đã được Đại sứ quán Nga tại Washington chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 12/4 với tiêu đề: "Những lo ngại của Nga trong bối cảnh cung cấp số lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự cho chính quyền Ukraine".

Trong công hàm, Nga tuyên bố nước này coi "các hệ thống tên lửa phóng loạt" là vũ khí "nhạy cảm nhất", đồng thời cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO vi phạm "các nguyên tắc nghiêm ngặt" về việc chuyển vũ khí tới các khu vực xung đột và phớt lờ "nguy cơ vũ khí chính xác cao rơi vào tay các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các phần tử cực đoan và các lực lượng phá hoại ở Ukraine".

binhsiukrainechuyentenluamysanbaykievafp-1650061398459.jpg
Binh sĩ Ukraine đứng cạnh xe tải chở tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ cung cấp tại sân bay ở Kiev (Ảnh: AFP).

Công hàm của Nga cáo buộc NATO ép Ukraine từ bỏ các cuộc đàm phán với Nga, đồng thời cáo buộc Mỹ ép các nước khác ngừng hợp tác quân sự và kỹ thuật với Nga. Moscow cũng tố Washington khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí từ thời Liên Xô giao chúng cho Ukraine.

"Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đồng minh ngừng quân sự hóa Ukraine một cách vô trách nhiệm, gây ra những hậu quả khó lường đối với an ninh khu vực và quốc tế", công hàm nêu rõ.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tuần này công bố gói viện trợ mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 11 trực thăng Mi-17, 18 lựu pháo Howitzer và 300 máy bay không người lái Switchblade, ngoài ra còn có các hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực.

Gói viện trợ lần này được chú ý nhiều hơn so với các gói viện trợ trước đó, một phần vì có thêm các loại vũ khí tinh vi hơn và hạng nặng hơn. Một quan chức Mỹ cho rằng, do Nga đã thay đổi chiến lược, rút quân khỏi thủ đô Kiev và triển khai lực lượng tới Đông Ukraine, nên Mỹ cũng phải thay đổi chiến lược trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Reuters tuần này dẫn nguồn thạo tin cho biết, Lầu Năm Góc dự kiến họp với lãnh đạo của 8 công ty vũ khí hàng đầu của Mỹ để thảo luận về nhu cầu vũ khí của Ukraine nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 15/4 tuyên bố "không gì có thể ngăn cản" chính quyền Tổng thống Biden viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Mỹ đã chuyển hơn 2,5 tỷ USD vũ khí và các khoản viện trợ quân sự khác cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2. Mỹ ban đầu chuyển hàng nghìn tên lửa chống tăng và đạn dược cho Ukraine, nhưng gần đây Washington đã chuyển thêm vũ khí hạng nặng hơn cho Kiev.

Ngoài Mỹ, các nước phương Tây khác cũng đẩy mạnh viện trợ cho Ukraine nhằm đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Theo Reuters, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng công bố kế hoạch chi thêm 2,16 tỷ USD cho các nhu cầu quân sự, phần lớn trong số đó nhằm cung cấp nguồn viện trợ cho Ukraine.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 14/4 tuyên bố Mỹ và các đồng minh đã nỗ lực để hạn chế nguy cơ Nga tấn công các lô vũ khí bên trong lãnh thổ Ukraine. Moscow nhiều lần cảnh báo coi các phương tiện chở vũ khí của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu quân sự.

Theo Đời sống
back to top