<div> <div id="divfirst"> <div> <figure class="image"><img alt="Chú thích ảnh" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/25/cdnmedia-baotintuc-vn_ando2504.jpg" /> <figcaption>Nhân viên hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại đài hóa thân ở ngoại ô Mumbai, Ấn Độ ngày 15/4/2021. Ảnh: REUTERS/TTXVN</figcaption> </figure> </div> <p>“Ấn Độ rất hào phóng trong việc xuất khẩu và quyên tặng vaccine cho các nước khác trong đại dịch COVID-19. Ngược lại, Mỹ chỉ muốn tạo ra một kho dự trữ để đối phó làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Hàng triệu người Ấn Độ đang bị ảnh hưởng do virus SARS-CoV-2 và về cơ bản Mỹ hoàn toàn phớt lờ mạng sống của những người dân Ấn Độ”, đài Sputnik dẫn lời của cựu Ngoại trưởng Kanwal Sibal.</p> <p>Phát ngôn của cựu chức trách được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ liên tục yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm đối với những thành phần nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vaccine, bao gồm túi phản ứng sinh học, dung dịch cấp môi trường nuôi cấy tế bào và bộ lọc. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Washington cho biết không thể cung cấp các nguyên liệu thô đó cho Ấn Độ vì Tổng thống Biden đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng Mỹ. Theo đạo luật có từ năm 1950, các nguyên liệu thô được ưu tiên cấp cho công ty trong nước thay vì công ty nước ngoài.</p> <p>Adar Poonawala – Giám đốc Điều hành Viện Serum Ấn Độ (SII), cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới – tuần này đã đăng tải một dòng trạng thái Twitter kêu gọi Tổng thống Biden dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô. SII cho biết sản lượng vaccine của cơ sở này đã bị cắt giảm gần 50% vì tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.</p> <p>Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng được cho là đề cập đến vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 19/4. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khẳng định chính quyền Tổng thống Biden “ưu tiên” tiêm chủng cho người dân Mỹ trước.</p> <p>“Chúng tôi hành động như vậy vì một vài lý do. Chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt đối với người dân Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19. Đã có trên 550.000 người tử vong. Hàng chục triệu ca mắc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trả lời khi được hỏi về động thái của Mỹ liên quan đến xuất khẩu nguyên liệu thô cho Ấn Độ.</p> <p>Theo dữ liệu do công ty tình báo khoa học Airfinity thu thập, Mỹ không hề xuất khẩu bất kỳ một liều vaccine ngừa COVID-19 nào trước cuối tháng 3. Trong một bài viết của tờ New York Times tháng trước, Mỹ hiện có trong tay hàng chục triệu liều vaccine AstraZeneca – loại vaccine mà chương trình tiêm chủng của chính phủ Ấn Độ sử dụng.</p> <p>Một người phát ngôn của AstraZeneca nói rằng bất chấp các yêu cầu từ các chính phủ nước ngoài cũng như công ty dược phẩm về việc xuất khẩu vaccine đến nơi họ cần, chính quyền Tổng thống Biden vẫn luôn từ chối.</p> </div> <div id="divend"> <p>“Mỹ đang dự trữ 350 triệu liều vaccine COVID-19 mà Ấn Độ có thể sử dụng khẩn cấp”, cựu đặc phái viên Ấn Độ Sibal lưu ý.</p> <p>Nhà ngoại giao cấp cao cho rằng các cam kết hướng tới “Hợp tác Vaccine Bộ tứ” giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào tháng trước chỉ là “hình thức gây chú ý”. Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ vào ngày 12/3 vừa qua, 4 quốc gia đã cam kết sản xuất một tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.</p> <p>“Các nước cam kết Ấn Độ sản xuất một tỷ liều vaccine với sự hỗ trợ của công nghệ Mỹ, Nhật Bản tài trợ và Australia phụ trách vận chuyển các liều vaccine tới các quốc gia châu Á. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang gặp phải tình cảnh mà chính Ấn Độ đang rất cần vaccine để đáp ứng nhu cầu ngay trong nước”, ông Sibal nhấn mạnh.</p> <p>Ngày 24/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho hay nước này ghi nhận thêm 346.786 ca mắc mới COVID-19 và 2.624 ca tử vong do căn bệnh này trong 24 giờ. Đây là những con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Như vậy, Ấn Độ ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, tiếp tục xu hướng gia tăng cao nhất thế giới trong thời gian qua. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 16,9 triệu ca, trong đó ít nhất 192.000 người tử vong. Hiện hệ thống y tế của nước này đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và thuốc men trầm trọng, đặc biệt là thiếu nguồn cung oxy. </p> </div> </div> <p> </p>