Đây là một thành công lớn. Hãy tưởng tượng, trong một cuộc chiến tương lai, các khẩu pháo tự hành, bảo vệ một căn cứ không quân chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, bắn rơi những tên lửa tấn công căn cứ, đảm bảo cho máy bay chiến đấu có thể cất cánh và hạ cánh không bị cản trở.
Cuộc thử nghiệm ấn tượng này diễn ra ngày 2/9 trên thao trường thử nghiệm tên lửa White Sands thuộc New Mexico. Một xe lựu pháo tự hành M-109A6 Paladin bắn đạn pháo siêu tốc đường kính 155 mm vào một mục tiêu không người lái BQM-167 đang bay tới, khiến mục tiêu nổ tung thành từng mảnh.
“Xe tăng bắn hạ tên lửa hành trình, thật tuyệt vời — đây thực sự là trò chơi điện tử, khoa học viễn tưởng” - Will Roper, nhà khoa học cao cấp của Không quân Mỹ, tuyên bố.
Hệ thống phòng không sử dụng pháo binh là một phần của cuộc thử nghiệm hai ngày Hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến mới mà Không quân Mỹ đang phát triển. Hệ thống quản lý chiến trường tiên tiên “Advanced Battle Management System” (ABMS) là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng dữ liệu tình báo, trinh sát và giám sát mục tiêu từ nhiều nguồn khác nhau — vệ tinh, máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay chiến đấu thông thường, hệ thống radar mặt đất và tích hợp nhất thể hóa.
Kết quả thu được là bức tranh toàn cảnh kỹ thuật số toàn bộ chiến trường. A.I sau đó xác định các đơn vị hỏa lực, có thể tiêu diệt một mục tiêu cụ thể và cung cấp cho các chỉ huy một bảng kê các phương tiện để có được lựa chọn tối ưu tiêu diệt mục tiêu.
Phát triển ABMS là mục tiêu lớn, đầy tham vọng và gây tranh cãi. Không quân muốn hiện thực hóa tham vọng này, sẵn sàng từ bỏ các máy bay chỉ huy, điều hành tác chiến hiện đại để đầu tư. Quốc hội nghi ngờ hệ thống kiểm soát mới ABMS hoạt động tốt như Không quân khẳng định sẽ thành công và rõ ràng, ABMS đủ hiệu quả để hỗ trợ lựu pháo bắn hạ tên lửa.
Pháo tự hành M-109A6 Paladin bắn thử nghiệm đạn pháo siêu tốc đường kính 155 mm
Sau khi bỏ quên pháo binh trong nhiều thập kỷ, Quân đội Mỹ gần đây đã chi hàng tỷ USD nâng cấp hàng trăm pháo tự hành và bệ phóng tên lửa. Mục tiêu là có thể giành chiến thắng trước Nga trong cuộc chiến tranh ở châu Âu trong tương lai và lực lượng pháo binh cho thể chiến thắng quân đội Trung Quốc trong các cuộc xung đột trên Thái Bình Dương.
Đối với vấn đề Trung Quốc, việc pháo kích bắn hạ tên lửa sẽ là một tư duy hiệu quả. Quân đội Trung Quốc sở hữu khoảng 1.300 tên lửa và tên lửa hành trình và trong một cuộc chiến tranh lớn, có thể tấn công dữ dội những căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương. Các căn cứ sân bay ở Okinawa và Guam chắc chắn sẽ là mục tiêu trọng tâm.
Quân đội Mỹ có các hệ thống tên lửa phòng không Patriot ở Okinawa và Hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối tầm xa THAAD hơn ở Guam. Lý thuyết, Patriot và THAAD có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo đang bay tới — và Patriot cũng có thể tiêu diệt các tên lửa hành trình cận âm tầm thấp.
Các hệ thống này có chi phí rất cao. Một quả tên lửa Patriot có giá 5 triệu USD. Một tên lửa THAAD có giá 12 triệu USD. Quân đội Mỹ không thể có quá nhiều tên lửa như vậy. Các hệ thống phòng thủ Patriots và THAAD không thể có đủ tên lửa để bắn hạ hàng trăm tên lửa Trung Quốc nhằm vào Okinawa và Guam.
Đạn siêu tốc dẫn đường chính xác, siêu khí động học của BAE Systems làm thay đổi những tính toàn này. Phạm vi tầm bắn có thể đạt đến 100 dặm, hơn hẳn tầm bắn của một tên lửa THAAD. Một quả đạn Mach-5 chỉ có giá 86.000 USD và sẽ giảm xuống nếu sản xuất với số lượng lớn.
M-109 trong cuộc diễn tập chỉ huy bắn hạ một tên lửa hành trình bay chậm và thấp. Nhưng BAE Systems tuyên bố đạn HVP cũng có khả năng tiêu diệt các tên lửa đạn đạo bay cao và nhanh hơn. Quân đội Mỹ sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm hơn để xác minh khả năng này.
Nhưng kết quả cuộc thử nghiệm đầu tiên rất ấn tượng đối với lực lượng phòng không Lục quân — và Không quân. Trong tương lai những loại đạn pháo này có thể sẽ được cung cấp cho quân đội Mỹ ở Thái Binh Dương và các đồng minh Mỹ, hoàn toàn có khả năng bẻ gãy những cuộc tấn công kiểu mưa tên lửa của Trung Quốc.