<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Mỹ giáng đòn trừng phạt Myanmar sau ngày biểu tình đẫm máu - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/05/icdn-dantri-com-vn_myanmar-00-1614812445553.jpg" title="Mỹ giáng đòn trừng phạt Myanmar sau ngày biểu tình đẫm máu - 1" /> <figcaption>Làn sóng biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục diễn ra ở Myanmar. (Ảnh: Reuters)</figcaption> </figure> <p>Theo <em>Sputnik</em>, Bộ Thương mại Mỹ ngày 4/3 đã đưa 4 thực thể của Myanmar vào danh sách trừng phạt. Các thực thể này gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Cơ quan Hợp tác Kinh tế và Công ty TNHH Kinh tế Myanmar.</p> <p>Trong thông cáo phát đi, Bộ Thương mại Mỹ cho biết: "Lệnh trừng phạt này cho phép hạn chế xuất khẩu và tái xuất khẩu các hàng hóa theo quy định về quản lý xuất khẩu cho Bộ Quốc phòng Myanmar, Bộ Nội vụ Myanmar - hai cơ quan chịu trách nhiệm về vụ đảo chính, và hai tổ chức thương mại thuộc quyền sở hữu, điều hành và mang lại nguồn thu cho Bộ Quốc phòng Myanmar".</p> <p>Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm, cơ quan này đã đưa Myanmar vào danh sách quốc gia thuộc nhóm D:1, cho phép Mỹ hạn chế xuất khẩu các hàng hóa bị nghi ngờ dùng cho mục đích quân sự.</p> <p>Trước đó, Mỹ đã áp các đợt trừng phạt đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh nhằm vào các quan chức của chính quyền quân sự Myanmar, trong đó có Thống tướng Min Aung Hlaing, người đang nắm quyền ở Myanmar sau cuộc đảo chính. Lệnh trừng phạt trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar trải qua "ngày đẫm máu" trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Theo thông tin của Liên Hợp Quốc, riêng trong ngày 3/3, ít nhất 38 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào người biểu tình.</p> <p>Đến nay, hơn 1 tháng kể từ sau cuộc đảo chính, hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Mặc dù vậy, người biểu tình Myanmar tuyên bố tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính, yêu cầu chính quyền quân sự trả tự do cho các quan chức chính quyền dân sự và khôi phục nền dân chủ.<br /> Theo <em>Reuters</em></p> </div> <p> </p>