<div> <p style="text-align: justify;"><span>Một phát ngôn viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết chi nhánh của Fed ở các địa phương sẽ tiến hành cách ly tiền trong vòng từ 7 - 10 ngày trước khi xử lý và phân phối lại cho các tổ chức tài chính. Theo Reuters, chính sách này được thực hiện từ ngày 21/2. Đồng bạc xanh cũng đang phải đối mặt với số phận tương tự bởi nhiều du khách trở về nhà từ Trung Quốc và các điểm nóng khác mà virus Covid-19 hoành hành.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Theo một thống kê của Reuters dựa trên các tuyên bố từ các bộ y tế và các quan chức chính phủ, đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc và đã lây nhiễm cho hơn 100.000 người tại hơn 85 quốc gia.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những tờ tiền có thể có khả năng truyền virus thông qua các đối tượng đã tiếp xúc trực tiếp với nó, nhưng tiếp xúc giữa người với người vẫn là phương tiện lây nhiễm chính. CDC khuyến nghị người dân Mỹ trở về từ Trung Quốc và các quốc gia có nguy cơ cao khác tạm thời cách ly tại nhà trong 14 ngày.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã bắt đầu thận trọng hơn nhiều đối với các rủi ro do tiền tệ gây ra, khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng thanh toán không tiếp xúc bất cứ khi nào có thể, theo một số báo cáo của truyền thông Anh.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Theo số liệu của Fed, là loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, đồng đô la Mỹ được phân phối rộng rãi nhất trên thế giới với khoảng 1,75 nghìn tỷ đô la tiền mặt đang lưu hành trên toàn cầu. Theo Fed San Francisco, trung bình, Fed phân phối 34 tỷ USD tiền giấy mỗi năm. Phần lớn tiền đô la Mỹ được lưu hành ở nước ngoài, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á, nơi đồng đô la thường mạnh hơn đồng tiền địa phương.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Đô la Mỹ thực chất cũng rất bẩn. Một nghiên cứu năm 2014 của các nhà nghiên cứu tại Đại học New York đã xác định 3.000 loại vi khuẩn trên đồng tiền đô la bằng giấy do chúng có mức độ tiếp xúc rộng rãi và thường xuyên.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Fed không yêu cầu khử trùng bằng tia cực tím hoặc tiêu hủy tiền giấy như cách mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm. Nhưng các quan chức của Fed thường xuyên liên lạc với CDC và Bộ Ngoại giao về sự lây lan của dịch bệnh và chuẩn bị đưa thêm các khu vực khác vào danh sách kiểm dịch của mình, một phát ngôn viên cho biết. </span></p> <p style="text-align: justify;"><span>12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực từ Richmond, Virginia đến San Francisco chịu trách nhiệm quản lý việc cung cấp tiền giấy và tiền xu, tiếp nhận tiền gửi vượt mức từ các ngân hàng trên khắp thế giới và chuyển tiền đến các tổ chức yêu cầu. Một số ngân hàng nước ngoài gửi tiền mặt vượt mức của họ trở lại Mỹ bằng các chuyến bay thương mại.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span>Các ngân hàng dự trữ sẽ tiến hành xử lý, loại bỏ các tờ tiền hỏng và xác định tiền giả. Phải mất từ 5 - 60 ngày cho việc xử lý này, các tờ tiền có giá trị cao sẽ được xử lý nhanh nhất, Fed San Francisco thông báo trên trang web của mình.</span></p> <p style="text-align: justify;"><span><i>Tham khảo: Reuters</i></span></p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>