Trước áp lực của cơ chế kinh tế thị trường, nhiều nét văn hóa truyền thống đã bị tác động, nếu không nói là bị biến chất. Liệu truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày nay có còn giữ được sự trong sáng vốn có của nó? Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Khoa học và Đời sống đã có buổi trao đổi với hai thế hệ phụ huynh học sinh để xem quan niệm về sự “yêu” thầy trong mỗi giai đoạn được thể hiện như thế nào?
Quan điểm xưa...
Nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo trong một thời gian khá dài, đặc biệt đối với mối quan hệ thầy-trò. Từ lớp vỡ lòng đã được học “Dưỡng bất giáo/Phụ chi quá/Giáo bất nghiêm/Sư chi đọa” (Tam tự kinh) - nghĩa là nếu nuôi mà không dạy là lỗi của cha, còn giáo dục mà không nghiêm là tội của người thầy. Ca dao, tục ngữ dân gian đề cao người thầy như “mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, dễ thấy mối quan hệ giữa thầy và trò được coi là mẫu mực trong thế hệ xưa.
Khi được hỏi về vấn đề trên, bà Dương Thị Hội (62 tuổi ở Hà Nội) cho biết: “Những ngày các con cô còn đi học, việc thể hiện sự kính trọng đối với các thầy cô ở trường của các bậc phụ huynh thật đơn giản. Bất kể khi các con học ở cấp độ nào, hằng tuần mình gặp cô giáo hỏi han tình hình sức khỏe, tình hình học tập của con mình ở trường từ đó tìm ra biện pháp dạy con lúc ở nhà.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, khai giảng, bế giảng năm học, mình đều có những món quà nhỏ khi thì là quyển sổ, khi là cái bút để tặng thầy cô, chứ tuyệt nhiên không có “phong bì”. Món quà tuy nhỏ nhưng là sự kính trọng, là tình cảm mà những bậc phụ huynh như cô gửi đến các thầy cô, như một sự tri ân cho sự vất vả, hy sinh thầm lặng của những người làm nghề giáo. Con mình thấy cha mẹ tôn trọng các thầy cô giáo của chúng, chúng nó cũng vui vẻ và học tập theo những điều tốt đẹp đó”.
... và khác biệt nay
Còn với các phụ huynh thuộc thế hệ 7x, 8x lại có những chia sẻ rất khác về chữ “yêu” thầy ngày nay.
Anh Nguyễn Minh T., có con đang theo học một trường công lập thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Chuyện “yêu lấy thầy” như các bậc phụ huynh xưa thường làm giờ như chuyện cổ tích. Muốn con giỏi bây giờ thì phải có tiền, phải cho con đi học thêm ở nhà thầy cô. Có như thế cháu mới theo kịp chương trình cô dạy trên lớp.
Khi được hỏi về những món quà tri ân thầy cô giáo trong mỗi dịp lễ, Tết, anh T. nói: “Những ngày đó mình thường gửi cô “phong bì” để thể hiện tấm lòng, vừa gọn nhẹ lại vừa tế nhị”. Rồi anh T. kết luận: “Yêu thầy bây giờ là cứ phải cho con đi học thêm môn của thầy”.
Đem những lời chia sẻ của anh T. đi hỏi một số phụ huynh khác. Chị Nguyễn Hồng N., một phụ huynh có con học cấp 2 tại Hoàng Mai nêu quan điểm: Thực tế bây giờ đa phần là vậy, nhưng mỗi người cũng cần có những hành xử riêng của mình với mối quan hệ giữa thầy và phụ huynh. Chị cho biết: “Hai con nhà mình đều đang học ở các cấp cơ sở, mình đã rèn cho các con thói quen ham học từ nhỏ, lên lớp tập trung nghe thầy cô giảng bài. Nhưng tuyệt nhiên mình không tặng “phong bì” cho các thầy cô. Mình không muốn hình ảnh của thầy cô bị xấu đi trong mắt tụi nhỏ. Hơn nữa, mình luôn dặn các con phải tôn trọng, lễ phép với thầy cô. Nhờ đó mà các con mình đều có thành tích học tập tốt, được thầy cô yêu thương”.
“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Nhưng yêu như thế nào cho đúng rất cần cha mẹ học sinh cùng thầy cô giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa dạy và học. Để việc dạy và học không đơn thuần chỉ là chuyện “bán - mua”.
Tri thức là một loại hàng hóa đặc biệt, không thể cân đo đong đếm bằng tiền hay bất cứ thứ gì. Thầy, cô giáo - những người truyền bá tri thức, là một nghề vô cùng cao quý như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng ca ngợi: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.