Mức tiêu thụ thịt trên đầu người đang tăng nhanh

(khoahocdoisong.vn) - Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 vừa được công bố cho thấy, năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn của người Việt đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925kcal/ người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ protein, lipid, và glucid (2020) là: 15,8% : 20,2% : 64,0% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016).

Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020); Mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4 - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh, từ 84g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020) trong khi đó, mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng gấp ba về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Cuộc Tổng điều tra là nguồn dữ liệu phong phú về độ tuổi, giới tính, dân tộc, khu vực địa lý và tình trạng kinh tế xã hội có thể giúp đảm bảo chiến lược mới nhắm mục tiêu đến những trẻ em và các cộng đồng có nguy cơ tụt lại phía sau tiến bộ chung. Kết quả tổng điều tra cho thấy phải có các can thiệp ở mức khẩn cấp, cần rà soát, cải tiến các cách tiếp cận. Các kết quả cũng giúp xác định các điểm ưu tiên, thiết kế các can thiệp, lập ngân sách cho việc thực hiện ở cấp trung ương và cấp tỉnh, các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng như vùng dân tộc thiểu số sẽ cần được ưu tiên quan tâm đầu tư.

Cuộc tổng điều tra cho thấy, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (riêng phụ nữ có thai tỷ lệ thiếu máu ở mức trung bình). Giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6 - 59 tháng (2010 - 2020). Nhưng tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em nói chung. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6 - 59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống ở mức ý nghĩa cộng đồng nhẹ (9,5%), tỷ lệ này vẫn cao nhất ở khu vực miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây nguyên (11,0%). Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6 - 59 tháng trên cả nước giảm xuống ở mức ý nghĩa cộng đồng nhẹ 19,6%, tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%); Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em 5 - 9 tuổi (9,2%); ở trẻ em 10 - 14 tuổi (8,4%), đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của WHO.

Theo Đời sống
back to top