Tập đoàn FLC vừa ký Hợp đồng chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO từ Airbus
Chuyện bình thường?
Ngày 26/03 vừa qua, Tập đoàn FLC đã ký Hợp đồng thoả thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO của Tập đoàn Airbus của Pháp. Thông tin này được công bố chính thức trên trang điện tử của Tập đoàn FLC và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy vậy, khi trả lời báo chí, một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam khẳng định Tập đoàn FLC vẫn đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép đối với hãng hàng không Bamboo Airways. Và khi được Chính phủ cấp phép thì lúc đó, hãng hàng không trực thuộc Tập đoàn FLC mới chính thức được công nhận. Nhưng vấn đề là tại sau Tập đoàn FLC lại ký Hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO trong khi chưa được cấp phép thành lập hãng hàng không? Việc này có bất thường hay không?…
Theo một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam thì chỉ khi doanh nghiệp được sự đồng ý về mặt chủ trương của Chính phủ thì mới làm hồ sơ gửi sang Cục Hàng không để làm thủ tục cấp phép. Ngoài ra, trong Luật hàng không cũng quy định việc mua bán này do doanh nghiêp tự quyết. Có nghĩa là doanh nghiệp mua tàu bay về tự khai thác hoặc có thể cho thuê…
Mục tiêu bay dịch vụ?
Trả lời báo chí tại lễ ký Hợp đồng thoả thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết: Ngoài việc đưa hãng hàng không Bamboo Airways tiến thẳng lên hiện đại, chuyên nghiệp thì còn mục tiêu, điểm khác biệt khác là hãng sẽ bay dịch vụ từ các quần thể nghỉ dưỡng của FLC trải dài khắp đất nước Việt Nam, từ các khu nghỉ dưỡng này đến khu nghỉ dưỡng kia, từ khu vực và quốc tế đến với các khu nghỉ dưỡng của FLC…
Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn về tuyên bố của ông Trịnh Văn Quyết. Thứ nhất: Trừ khi tại mỗi quần thể nghỉ dưỡng của FLC có một sân bay đủ tiêu chuẩn để tàu bay Airbus A321NEO hạ cánh – mà điều này là không thực tế hoặc việc di chuyển này phải thực hiện bằng các loại máy bay khác như trực thăng. Thứ 2: Nếu khai thác khách du lịch đến với FLC thông qua hệ thống sân bay hiện có thì điều này không có quá nhiều sự khác biệt. Điểm khác biệt có thể có là tàu bay FLC chỉ phục vụ khách của FLC. Và điều này có thể dẫn tới việc thua lỗ và cũng mâu thuẫn với mục tiêu ban đầu mà ông Trịnh Văn Quyết đề ra – đó là phục vụ tất cả hành khách có nhu cầu theo tiêu chuẩn 5 sao và phục vụ các đường bay trong nước và quốc tế.
Không những thế, các đường bay quốc tế quy định rất chặt chẽ, thậm chí như VNA có đường bay đến Mỹ nhưng vẫn chưa đủ yêu cầu để chấp thuận. Vậy thì một hãng hàng không non trẻ như Bamboo Airways có đủ sức để góp mặt vào “cuộc chơi” này hay không?
Thêm nữa, đó là hiện đã có nhiều hãng bay cạnh tranh nhau rất khốc liệt, nếu có thêm hãng bay mới thì độ cạnh tranh sẽ còn mãnh liệt hơn nữa. Trong bối cảnh đó, hãng hàng không nào có trước thì sẽ nắm nhiều phần thắng…
Từ những phân tích trên, không loại trừ khả năng FLC sẽ cho các hãng hàng không khác thuê lại tàu bay sau khi đưa về Việt Nam hoặc đơn giản chỉ là chiêu PR, là bước đệm để doanh nghiệp đỡ “run” trước khi xông vào “cuộc chơi”.
Trả lời báo Khoa học & Đời sống, Ông Đặng Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC/ Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt cho biết: “Việc ký biên bản thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus là một trong các công việc hậu cần quan trọng để thúc đẩy tiến độ vận hành của Bamboo Airways sau khi được cấp phép. Cùng với đó, chúng tôi đang tiến hành nhiều công việc liên quan khác như tuyển dụng nhân sự, đào tạo, xây dựng hệ thống… trong thời gian chờ cấp phép.
Các thủ tục thuộc quy trình xin phê duyệt, cấp phép hiện đang được chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Việc thành lập hãng hàng không mới là phù hợp với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như chính sách “mở cửa bầu trời” của Bộ Chính trị và Chính phủ. Việc khai thác trực tiếp hay hay thuê lại đội bay sẽ được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng khi bước vào giai đoạn vận hành”.
Quách Dương