Đòi đơn thuốc thì mất khách
Dạo quanh một vòng các tụ điểm bán thuốc trên phố: Tân Mai, Giải Phóng, Ngọc Khánh, Quốc Tử Giám…đều thấy tình trạng mua bán thuốc tấp nập. Người ta đi vào hiệu thuốc, mua cả đống thuốc rồi đi ra dễ dàng như đi chợ mua rau. Chị Nguyễn Thị Trang, Quán Sứ, Hà Nội cho biết, chị mua nhiều thuốc là để gửi cho con ở nước ngoài. Con chị ở Đức chỉ bị đau bụng đi ngoài để có thuốc uống thì phải đi khám có đơn mới mua được. Vì vậy, thỉnh thoảng chị lại mua ít kháng sinh và thuốc chữa bệnh thông thường gửi cho con.
Vào bất kỳ hiệu thuốc nào kể cả hiệu thuốc có dán giấy tại cửa “bán thuốc theo đơn”, đến các cửa hàng thuốc đạt chuẩn GPP thì đều dễ dàng mua được bất kỳ thuốc gì. Tại cửa hàng thuốc An Phúc trên số Tân Mai, khi đưa ra đơn thuốc mua Rocimus – loại thuốc ngăn chặn đào thải sau phẫu thuật cấy ghép nội tạng bắt buộc phải bán theo đơn, dược sĩ bán thuốc không hề photo lại đơn thuốc theo như quy định. Sang cửa hàng bên cạnh có biển đề “bán thuốc theo đơn”, thì không đưa đơn, chỉ đọc tên dược sĩ vẫn vô tư bán thuốc.
Việc mua thuốc kháng sinh theo Bộ y tế đang siết chặt nhưng việc mua bán lại dễ dàng hơn rất nhiều. Bất kể loại kháng sinh trị bệnh gì, thậm chí là loại kháng sinh chỉ được coi là thuốc dự phòng khi các loại kháng sinh khác đã bị kháng không còn tác dụng cũng được bán dễ dàng.
Chị Nguyễn Thị Hương, một nhân viên bán thuốc trên phố Ngọc Khánh tiết lộ, theo quy định thì đúng là bán thuốc, đặc biệt là kháng sinh phải có đơn thuốc và lưu lại đơn đã bán. Nhưng thực tế bán chỉ họa hoằn mới có người mang đơn thuốc đến mua, còn hầu hết là nói tên thuốc hoặc kể về bệnh để mua thuốc. Có trường hợp hỏi mua loại thuốc có chỉ định dùng rất chặt chẽ không được tự bán, hỏi đơn thì người ta bỏ sang hàng khác mua. Vì vậy, chủ cửa hàng hướng dẫn, cứ mua thuốc là bán, hỏi đơn làm khó khách hàng thì mất khách.
Ảnh minh họa
Thuốc cấm bán, thuốc độc vẫn mua được
Không đơn giản như thuốc kháng sinh, các loại thuốc gây nghiện, thuốc dành cho bệnh nhân tâm thần bắt buộc phải có đơn, dấu của bệnh viện chuyên khoa tâm thần mới mua được, nhưng ra hiệu thuốc vẫn có ngay. Tại bất kỳ cửa hàng thuốc nào trên phố Quốc Tử Giám (nhà thuốc tư nhân Tâm, nhà thuốc tư nhân Phượng…), phóng viên cũng dễ dàng mua được cả chục hộp thuốc Olanzapine dùng để điều trị tấn công và điều trị duy trì bệnh tâm thần phân liệt với giá 90.000đ/ hộp mà không cần đơn thuốc.
Anh Nguyễn Văn Hòa, Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội tiết lộ, anh còn mua được thuốc ngủ seduxen. Anh bị bệnh huyết áp cao mỗi khi căng thẳng, mất ngủ là huyết áp vọt lên rất nguy hiểm. Lúc đó chỉ có uống 1 viên seduxen mới giúp được. Anh khổ sở đi khắp các hiệu thuốc đều không bán, cuối cùng gặp được bạn quen bán thuốc và nhờ đó hơn 1 năm nay anh không lo thiếu seduxen.
Một người quen ở Giảng Võ cho biết, gia đình anh có hai người bị ung thư, giai đoạn cuối đau đớn không có morphin tiêm. Anh được bác sĩ giới thiệu ra Hàng Chiếu mua một lúc cả chục ống morphin – loại thuốc cấm lưu hành ngoài thị trường.
“Nguy hiểm chết Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng cao nếu không có những hành động phòng chống kịp thời. Ước tính chi phí do hậu quả của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu sẽ là hơn 1.300 tỷ đô la vào năm 2050”.
Nguy hiểm chết người
ThS Lê Quốc Thịnh, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện TƯ 71 cho biết, ở nước ngoài quy chế bán thuốc rất nghiêm ngặt. Có hai loại thuốc được bán: thuốc không cần đơn (paracetamon, viêm ngậm ho, kem bôi… – nói chung là thuốc vô thưởng vô phạt), còn lại tất cả các loại thuốc phải có đơn mới bán (thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc tim mạch, bệnh nội tiết…). Việc mua bán lộn xộn như Việt Nam không chỉ là kháng sinh gây kháng thuốc mà các thuốc khác cũng gây hại nghiêm trọng. Hiện tại, tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam cực kỳ cao, hầu như các thuốc kháng sinh đều bị kháng hết, buộc phải dùng đến các loại kháng sinh thuộc loại lựa chọn cuối cùng như: colistin, lincomycin, Imipenem…
Các loại thuốc này rất đắt và tương lai nếu dùng sẽ bị kháng lại (hiện nay đã kháng Imipenem) và khi đó không còn thuốc chữa, sẽ chết. Việc mua thuốc theo kiểu “điếc không sợ súng” mua tràn lan, mua theo mách bảo, kinh nghiệm… rất nguy hiểm.
Chẳng hạn, không kể các thuốc hướng tâm thần, gây nghiện cấm bán, việc lạm dụng các thuốc coiticoid chống viêm, giảm đau che dấu triệu chứng tưởng khỏi nhưng thực tế lại mắc thêm bệnh vì tác dụng phụ của thuốc. Thuốc tim mạch khoảng điều trị hẹp tự dùng không đúng có thể tụt huyết áp, tử vong rất nhanh hoặc gây phản ứng có hại không hồi phục được…; Thuốc đái tháo đường, nội tiết uống không đủ hoặc thừa liều đều dễ mất mạng…
(Còn nữa)
Thúy Nga