“Mua sắm tỉnh thức” lên ngôi

Dịch Covid-19 mang đến nhiều thay đổi về suy nghĩ và lối sống. Một trong những thay đổi là xu hướng “mua sắm tỉnh thức” - chi tiêu vật dụng thật sự cần thiết theo lối sống tối giản, từ đó tích lũy được ngân sách cho những việc lớn.
song-toi-gian.jpg

“Mua sắm tỉnh thức” là tập trung cảm xúc, suy nghĩ, sự hiểu biết của mình cân nhắc khi mua sắm, không để “sương mù” của “chủ nghĩa tiêu dùng” che mắt.

Chỉ mua những gì mình cần

Theo bạn Linh Đặng, chuyên gia life style (phong cách sống), gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, xu hướng sống tối giản ngày càng tăng. Cuộc sống ngày càng hối hả với mật độ dân cư cao khiến con người muốn được sống trong một không gian thoáng đãng, dễ thở. Tối giản trong không gian sống, lối sống, thời trang, ăn uống... Điều này dẫn đến hành vi tối giản trong chi tiêu hay còn gọi “mua sắm tỉnh thức”.

Theo chuyên gia Linh Đặng, trước khi mua một món đồ, phải suy nghĩ kỹ, hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về món đồ cũng như mục đích sử dụng của bản thân. Từ đó, cân nhắc món đồ có phù hợp, có nên mua hay không.

Chi tiêu tối giản không có nghĩa là dè sẻn mà là mua sắm đúng trọng tâm. “Sạch sẽ” - “ngăn nắp” - “đơn giản” luôn là kim chỉ nam khi cân nhắc mua sắm một món đồ. Giản lược về màu sắc, cấu trúc, bề mặt trơn nhẵn, vật liệu dễ vệ sinh, dễ bảo quản, gọn nhẹ, thiết thực khi sử dụng là ưu tiên lựa chọn. Không thỏa hiệp chất lượng thay giá cả.

toi-gian-2.jpg

Ví dụ, thay vì mua 20 lọ hoa theo nhiều phong cách, bạn chỉ nên chọn 2 - 3 chiếc lọ đơn giản, không cầu kỳ, có thể tôn lên vẻ đẹp và phù hợp với tất cả các loại hoa. Bạn cần sở hữu đồ đạc ít hơn hay chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm đồ đạc. Phối kết hợp các món đồ cũ tạo ra phong cách mới thay vì mua sắm thêm đồ.

Thực hành “mua sắm tỉnh thức”, cần tối giản trong lựa chọn đồ vật. Phân loại quần áo, giày dép, phụ kiện theo các nhóm: đi làm, đi chơi, thể thao, dã ngoại, đồ ở nhà... phù hợp với tính cách, công việc, hình ảnh mà mình hướng tới. Loại bỏ những thứ rườm rà, ít sử dụng, khó phối hợp.

Giải phóng bản thân khỏi tiền bạc, tăng khả năng sáng tạo

Chị Vanilla Huỳnh Huyền Trân, chuyên gia về sống tối giản, Giám đốc truyền thông trường Vương Quốc Hạnh Phúc, TPHCM cho biết, sống tối giản giúp chi tiêu tiết kiệm, tập trung đầu tư tiền đúng mục đích. Khi đồ đạc của bạn tối giản, để sử dụng cho nhiều tình huống, bạn phải tăng khả năng sáng tạo. Khi đó, với cùng một món đồ, bạn có thể biến hóa ra nhiều kiểu dáng, phong cách khác nhau.

Để tuân theo kế hoạch “mua sắm tỉnh thức”, ngoài việc không sa đà vào mua sắm những món đồ không phù hợp như một thói quen, định kỳ thanh lọc toàn bộ tủ quần áo, đồ gia dụng, bán đấu giá gây quỹ từ thiện hoặc trao tặng bạn bè. Thực hành chủ nghĩa tối giản cần ít chỗ lưu trữ, không tích tụ vật dụng để có một ngôi nhà đẹp với đường nét sạch sẽ và không gian thoáng đãng.

song-toi-gian-3.jpg

Các nhà tâm lý học cho rằng “mua sắm tỉnh thức” sẽ giúp thoát khỏi sự mệt mỏi của việc quyết định và giải phóng bản thân khỏi sự phụ thuộc vào tiền bạc. Cuộc sống tất bật là cuộc sống ít chất lượng nên không phân bổ thời gian cho việc mua nhiều đồ rồi dọn dẹp chúng. Hãy chọn tập trung thời gian, năng lượng cho những công việc quan trọng nhất. Không cố gắng làm nhiều việc hơn, mà chọn làm điều thực sự cần thiết.

Khi không tập trung vào việc mua sắm, bạn sẽ tập trung hơn vào những trải nghiệm cụ thể và cách tiêu tiền sẽ thay đổi. Số tiền thu nhập hằng tháng nên phân bổ chi tiêu theo kế hoạch như 55% cho tiêu dùng thiết yếu, 5% từ thiện, 10% tiết kiệm, 10% sức khỏe, 10% đầu tư, 10% phát triển bản thân.

Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn thì cần ưu tiên chi tiêu. Xử lý tiền một cách hài hoà giúp bạn thiết lập các mục tiêu tài chính, sống không nợ nần hay thoát khỏi nợ nần.

Đặc biệt, sống tối giản và “mua sắm tỉnh thức” giúp con người giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thực tế cuộc sống hiện nay có quá nhiều dư thừa: Dư đồ dùng, dư thực phẩm, dư quần áo, mỹ phẩm… Khi theo đuổi chủ nghĩa “mua sắm tỉnh thức” bạn có thể bán những món đồ không cần thiết, không còn thích. Không sa đà vào mua sắm vô bổ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền. Số tiền đó có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống như giải quyết khoản nợ, lập quỹ tiêu dùng khẩn cấp, quỹ từ thiện, quỹ du lịch... hoặc tăng thêm ngân sách đầu tư học vấn cho bản thân.

Chuyên gia phong cách sống Linh Đặng

Theo Đời sống
back to top