Sách tham khảo không bao giờ dùng tới
Mới đây, phản ánh bức xúc của các phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học An Phong đã phải mua 25 loại sách, vở bài tập cho con vào lớp 1 đã gây xôn xao trong dư luận.
Cụ thể, danh sách với 25 hạng mục bao gồm sách SGK, vở bài tập, sách tiếng Anh của các bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống (tùy môn). Ngoài ra, có sách bổ trợ, tập, bảng viết, tổng 807.000đ. Đắt nhất là sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá 146.000đ/cuốn, bộ sách thực hành Toán, tiếng Việt 1 có giá 173.400đ.
Tuy nhiên, câu chuyện của các phụ huynh trên không phải là cá biệt. Liên quan tới vấn đề sách tham khảo, có rất nhiều phụ huynh phản ánh, họ cũng phải mua những sách, thậm chí các con không bao giờ dùng đến, hết năm học sách vẫn còn mới tinh trên giá.
Phản ánh tới Báo KH&ĐS, một phụ huynh ở một trường Hà Nội cho biết, ngoài sách giáo khoa, năm nào con chị cũng phải mua một số sách tham khảo như Cùng em học Tiếng Việt, Cùng em học Toán, Giáo dục an toàn giao thông, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường, Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em...
|
Phụ huynh này bức xúc: “Vấn đề là những quyển sách này có quyển rất ít khi dùng, thậm chí không bao giờ dùng tới. Thấy vậy, năm nay tôi nói với con sẽ không mua nữa. Khi cô giáo hỏi là gia đình có đăng ký mua không, để cô gửi danh sách lên trường, tôi nói tránh đi là để gia đình tự đi mua. Nhưng hôm sau con tôi đến trường, cô giáo hỏi có mua sách không, cháu nói có, thế là cô ghi vào danh sách. Sau đó, tôi nói với cô là cháu không biết, cô rút lại hộ thì cô nói, danh sách đã gửi lên trường, không rút lại được nữa”.
Một phụ huynh lớp 1 cũng phản ánh, ngoài sách giáo khoa, còn phải mua thêm Bài tập Toán 1, Thực hành Tiếng Việt, Luyện viết (của NXB Cánh Diều) và sách tiếng Anh.
Việc mua sách này, tuy nhà trường nói không bắt buộc, nhưng khi cô giáo đưa danh sách những sách tham khảo phụ huynh nên mua thì không một phụ huynh nào trong lớp không mua. Bởi không mua thì sợ con sẽ không có sách học.
Bộ GD&ĐT yêu cầu thanh tra, kiểm tra việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo
Liên quan tới việc nhà trường ép phụ huynh phải mua sách tham khảo, đặc biệt là những sách không dùng tới, nhiều giáo viên cho rằng, đã thiếu sự sâu sát, chặt chẽ trong quản lý từ lãnh đạo cấp trên, dẫn đến việc nhiều trường “tự tung tự tác” như trong thời gian vừa qua.
Trước vấn đề gây “nóng” dư luận này, Bộ GD&ĐT đã liên tiếp có những chỉ đạo. Cụ thể, mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký văn bản gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Văn bản nêu rõ, nhằm tăng cường công tác quản lý và kịp thời khắc phục những tồn tại trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo tại các các cơ sở giáo dục phổ thông phục vụ năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020 - 2021.
Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 07/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu sở GD&ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước ngày 20/9/2020, các Sở GD&ĐT phải báo cáo về Bộ GD&ĐT kết quả thực hiện các nội dung nêu trên.
Tại Điều 5, Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 07/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học của Bộ GD&ĐT có quy định về Trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp:
1. Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu; kịp thời phản ánh với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về những xuất bản phẩm tham khảo không đúng với các quy định tại Thông tư này.
2. Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.
3. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.
4. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.