Tiềm ẩn nguy cơ lũ lớn
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, theo thông tin truyền thông, trong 2 tuần qua, trên lãnh thổ Trung Quốc đã xuất hiện mưa lũ lớn, lũ lịch sử, đặc biệt trên lưu vực sông Trường Giang. Lượng mưa thực đo tại các trạm khí tượng phát báo quốc tế trong tháng 6/2020 tại một số tỉnh ở Trung Quốc phổ biến như sau: Tỉnh Hồ Bắc từ 300 - 400m; Trùng Khánh, Quý Châu, Quảng Tây từ 200 - 400mm; riêng trạm Guilin thuộc Quảng Tây đạt trên 600mm.
Sử dụng nguồn dữ liệu vệ tinh GSMaP, ước tính tổng lượng mưa tháng 6/2020 một số tỉnh chịu ảnh hưởng của lũ lụt gồm Trùng Khánh có tổng lượng mưa từ 200 - 300mm, Quảng Tây là 500 - 600mm có nơi > 700mm, tỉnh Quý Châu từ 250 - 300mm; còn lại Vân Nam và Hồ Bắc dưới 250mm.
Nguyên nhân của các đợt mưa lớn trong 2 tuần qua ở khu vực phía Đông và phía Đông Nam của Trung Quốc là do tác động của một dải mây Front; gọi là Front Mei-yu đã được rất nhiều các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản nghiên cứu, là nguyên nhân gây ra mưa lớn cùng lũ lụt ở Nam Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 5, tháng 6 và Nhật Bản trong tháng 6, tháng 7; Front Mei-yu ít tác động đến khu vực phía Bắc của Việt Nam.
Theo nhận định chung tổng lượng mưa tháng có xu thế ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN, tuy nhiên theo số liệu thực tế cho thấy mưa lớn trong một thời gian ngắn đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn. Với những diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay và tình hình mưa, lũ đang xảy ra ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc cho thấy sự phức tạp của mùa mưa lũ năm nay ở khu vực Bắc Bộ nói riêng, trên toàn quốc nói chung. Nguy cơ về xuất hiện lũ lớn là luôn tiềm ẩn và cần được theo dõi cập nhật thông tin dự báo thường xuyên. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.
Lo khả năng lũ chồng lũ ở Trung và Nam Bộ
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, trong tháng 7 nắng nóng gay gắt sẽ không còn. Từ giữa tháng 7 nắng nóng sẽ quay trở lại nhưng cường độ không quá gay gắt và không dài như tháng 6. Bắc Bộ và Trung Bộ vào cuối tháng 7 sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa rào và giông làm giảm nhiệt, thời tiết khá mát mẻ. Sang tháng 8 thì ở Bắc Bộ chỉ còn một vài ngày nắng nóng. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đang vào mùa mưa nên sẽ có rất nhiều ngày mưa giông diện rộng, thời gian xuất hiện mưa giông chính vào chiều tối. Khả năng xảy ra hiện tượng mưa lớn, lốc xoáy… ở khu vực này là rất lớn, gây ngập úng cục bộ tại các thành phố lớn như TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ…
Mùa bão năm nay đến muộn, nhưng trong tháng 7 ít có khả năng xuất hiện bão trên Biển Đông. Vào giai đoạn cuối tháng 7 có thể xuất hiện các vùng nhiễu động, mưa giông trên biển Đông, bà con ngư dân lưu ý vì có thể gây gió giật trên biển. Còn khả năng xảy ra hiện tượng xoáy thuận nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới hay bão thì trong tháng 7 nhiều khả năng chưa xuất hiện. Từ tháng 8 trở đi thì tần suất xuất hiện bão sẽ tăng lên. Nhận định chung mùa bão năm nay sẽ dồn dập vào giai đoạn tháng 9, 10 và 11. Vùng ảnh hưởng chính là khu vực Trung Bộ trở vào. Mùa bão năm nay sẽ có khoảng từ 11 - 13 cơn bão trên Biển Đông và có 5 - 6 cơn bão tác động trực tiếp vào đất liền.
“Khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan từ nay đến cuối năm, mưa lũ sẽ dồn dập ở Trung Bộ và Nam Bộ nên rất quan ngại về khả năng các cơn bão dồn dập gây ra hiện tượng lũ chồng lũ, nhiều cơn mưa lũ nối tiếp nhau”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.
Về thông tin đập thủy điện trên sông Dương Tử ở Trung Quốc xả lũ có thể ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, theo ông Trần Quang Năng, khu vực cửa sông đó đổ ra biển giáp với Nhật Bản, cách rất xa Việt Nam nên không tác động đến Việt Nam nên chúng ta không cần lo lắng về khả năng gây ngập.
Động đất 2.6 độ xảy ra ở Quảng Ninh
Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), vào 15 giờ 22 phút 10 giây (giờ Hà Nội) ngày 1/7, một trận động đất có độ lớn 2,6 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.151 độ vĩ Bắc, 107.077 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Trận động đất xảy ra trên đới đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên. Đây là đới đứt gãy có phương Tây Bắc - Đông Nam, xuất phát từ địa phận Trung Quốc, chạy vào lãnh thổ Việt Nam ở khu vực Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và kéo dài đến tận đảo Cái Bầu, tỉnh Quảng có chiều dài trên 250km. Đây là đới đứt gãy có hoạt động địa chất mạnh trong thời gian gần đây. Trước đó vào cuối năm 2019 tại khu vực Trung Khánh, Cao Bằng và biên giới Việt – Trung ghi nhận một số trận động đất trên đới đứt gãy này. Trong đó, có hai trận động đất gây rung chấn cho cả Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.