Số ngày mùa hè đang ngày càng tăng
Theo một nghiên cứu khoa học mới vừa công bố trên SciTechDaily, nếu nhân loại không nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mùa hè kéo dài gần 6 tháng sẽ sớm trở thành trạng thái "bình thường mới" ở Bắc bán cầu vào năm 2100. Theo nghiên cứu này, trong những năm 1950 ở Bắc bán cầu, chu kỳ bốn mùa tương đối đều đặn và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu hiện nay đã mang đến những thay đổi đột ngột và bất thường lên độ dài và ngày khởi đầu của các mùa.
Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu khí hậu hằng ngày giai đoạn 1952 - 2011 để đo lường những thay đổi của độ dài và thời điểm bắt đầu của bốn mùa ở Bắc bán cầu. Nghiên cứu phát hiện rằng trung bình mùa hè tăng từ 78 lên 95 ngày trong giai đoạn 1952 - 2011, trong khi mùa đông giảm từ 76 xuống còn 73 ngày. Mùa xuân cũng bị rút ngắn từ 124 xuống 115 ngày và mùa thu giảm từ 76 xuống 73 ngày. Do đó, mùa xuân và mùa hè bắt đầu sớm hơn trong khi mùa thu và mùa đông muộn hơn. Vùng Địa Trung Hải và cao nguyên Tây Tạng bị ảnh hưởng thay đổi chu kỳ mùa mạnh mẽ nhất.
Nếu những xu hướng này tiếp diễn mà con người không ra sức giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhóm nghiên cứu dự báo vào năm 2100, mùa đông sẽ ít hơn 2 tháng và kéo theo mùa xuân và mùa thu cũng rút ngắn. Việc thay đổi mùa gây ra nguy cơ rất lớn lên môi trường và sức khỏe. Ví dụ, chim chóc sẽ thay đổi hành vi di cư và cây cối sẽ đâm chồi và nở hoa vào những thời điểm khác nhau. Những thay đổi này có thể gây lệch giữa động vật với nguồn thức ăn và phá vỡ các cộng đồng sinh thái.
PGS.TS Phạm Đức Thi, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, đây không chỉ là xu thế chung của thế giới mà còn trùng khớp với diễn biến mùa ở Việt Nam hiện nay. Dù chưa có các con số thống kê cụ thể song độ dài của các mùa đang có sự dịch chuyển rõ nét trên quy luật của biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết. Theo đó, mùa hè kéo dài hơn, mùa đông dần dần co lại. Có những năm, mùa thu vẫn nóng như mùa hè. Ranh giới để phân biệt các mùa dần dần bị phá vỡ.
“Mùa đông trước đây rất đặc trưng là lạnh, có mưa phùn, ẩm, gió mùa rét cắt da cắt thịt. Nhưng dần dần mùa đông cũng trở nên ấm hơn, không còn những biểu hiện đặc trưng nữa. Hay mùa xuân không còn những cơn mưa phùn ẩm ướt lép bép suốt tuần nữa”, PGS.TS Phạm Đức Thi nhận định.
Ảnh hưởng đến cây trồng, sức khỏe
PGS.TS Phạm Đức Thi cho hay, sự biến đổi của mùa tạo nên những hệ lụy. Ví dụ, các loại cây trồng thường phù hợp với kiểu thời tiết khí hậu nhất định, khi thay đổi thì cây trồng sẽ phải thích nghi bằng cách chọn môi trường khác, nếu không thì sẽ giảm năng suất, giảm sức sống, sức chống chịu. Thực tế cho thấy hiện nay ở Đà Lạt, rất nhiều loại cây nhiệt đới đã “di cư” lên đó, sống khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu ôn đới. Đối với con người, sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng nếu khí hậu diễn biến khắc nghiệt.
Biến đổi khí hậu là xu thế chung, song con người cũng có những cách ứng phó như hạn chế phá rừng, không phát triển quá nhiều nhiệt điện… bởi CO2 mà tăng quá mức thì không có cách gì cứu vãn được. Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, tích cực trồng cây xanh. Dù là trồng rừng hay là cây phân tán cũng đều tốt.
Cây xanh từ xưa đến nay luôn được coi là “lá phổi” của Trái Đất. Trồng nhiều cây xanh giúp cung cấp một lượng lớn oxy cho chúng ta thở. Trung bình cứ một cây xanh có thể cung cấp đủ lượng oxy cho 4 người. Đồng thời chúng cũng hấp thụ C02, amoniac, S02, Nox, bụi bẩn… từ đó làm giảm các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn.
Trồng nhiều cây xanh ở các khu dân cư đông đúc sẽ không chỉ giúp cho không khí ở đó trong lành hơn, mà cây còn có thể làm bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời lên người dân. Lá cây cũng sử dụng ánh sáng mặt trời để quang hợp. Cây cũng hấp thụ các khí độc thải ra từ khói xe cộ, quán ăn, bụi bẩn nhà máy, rác thải, và nhiệt từ chính con người tỏa ra, từ đó giúp giảm bớt nhiệt.