<div> <p><span>Hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 130 triệu. Nước ta đã xuất hiện nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng các sim thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật (đe doạ, tống tiền nhắn tin quấy rối,...) .</span></p> <p><span>Theo quy định của pháp luật, các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho cá nhân khác mà không thực hiện thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông di động thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt 500 nghìn đồng.</span></p> <p><span>Ngày 26.3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 866/BTTTT-TTra nêu rõ: "Nếu vẫn còn hiện tượng bán sim rác trên thị trường trong thời gian tới, Chủ tịch, Tổng Giám đốc của doanh nghiệp viễn thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm xử lý hành chính, kỉ luật theo quy định của pháp luật".</span></p> <p><span>Đối với các hành vi mua bán sim kích hoạt sẵn, các cửa hàng, điểm bán sim sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: Bán sim thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động kí hợp đồng uỷ quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Hoặc, bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.</span></p> <p><span>Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông di động đã thống nhất triển khai chủ động rà soát, phát hiện và tiến hành thu hồi các sim có dấu hiệu nghi vấn là sim rác, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9.2019.</span></p> </div> <p> </p>