Khi đó, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng yếu, ghi nhận trong nội khí quản có sùi bọt hồng ra. Chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhi này đã ngưng tim ngưng thở trên theo dõi xuất huyết phổi. Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhi được hỗ trợ hút đàm nhớt truyền thuốc vận mạch để duy trì nhịp đập của trái tim cũng như nâng huyết áp. Do bệnh nhân có co giật nên các bác sĩ đã chỉ định thêm an thần và kháng sinh.
BSCKI Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu. Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đang chia sẻ về một ca tử vong do chấn thương đầu bất thường. |
Được biết, 8h tối hôm trước, sau khi ăn tối, bé đi ngủ; một lúc sau, người nhà nhận thấy bé thở nhanh, co giật toàn thân và tím tái. Người nhà đã đưa bé đến Bệnh viện quận Bình Tân tiến hành hồi sức cấp cứu hơn 15 phút đến khi bé có tim lại thì chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi có vết bầm dưới da ở tay, chân, cơ thể. Ba của bệnh nhi cho biết, nửa tháng trước đã từng thấy những vết bầm này và đưa bé đi khám tại một phòng khám tư, nhưng không rõ chẩn đoán và điều trị.
“Đây là một hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Từ được 3 tháng tuổi, người mẹ đã không ở chung với bé, cho đến nay bé được 3 tuổi và ở với cha. Thời gian gần đây do ông nội bị ốm nặng phải nằm viện nên người cha đã gửi bé cho một người dì quen chăm sóc”, BSCKI Đinh Tấn Phương cho biết.
Những ca tử vong bất ngờ không giải thích được nguyên nhân, không do bệnh lý, kèm theo các tổn thương bầm tím ngoài da mà có yếu tố gia đình phức tạp; bác sĩ tiếp nhận điều trị có thể nghi ngờ một trường hợp liên quan đến bạo hành. (Ảnh minh họa) |
Trong các xét nghiệm, BSCKI Đinh Tấn Phương lưu ý nhất là CTscan não. “Có lẽ, đây là một trong những ca phù não và xuất huyết não nặng nề nhất mà tôi từng tiếp nhận. Mức độ phù não nghiêm trọng đến nỗi gây tăng áp lực nội sọ khiến não bị tụt xuống. Tình trạng hôn mê sâu của đứa bé nặng nề chủ yếu do phù não và xuất huyết não như vậy, đưa đến tình trạng ngưng thở. Phù não, xuất huyết lan tỏa dưới màng cứng giai đoạn cấp khu bán cầu đại não, đường giữa não bị đẩy sang bên phải từ 6 - 7mm. Ngoài ra, đứa trẻ này còn bị rối loạn chức năng đông máu”, BSCKI Đinh Tấn Phương chia sẻ.
Hội chẩn toàn bệnh viện đưa ra 2 vấn đề trên bệnh nhi này, một là xuất huyết não do bệnh lý và hai có thể do chấn thương. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ít có bệnh nhi nào bị phù não, xuất huyết não nghiêm trọng như bệnh nhi trên, kể cả bệnh nhi bị đột tử do thiếu oxy não, ngưng tim, ngưng thở. Theo kinh nghiệm, các bác sĩ nghĩ nhiều đến một tổn thương dẫn đến não bị phù và xuất huyết như té ngã, va đập… hơn là một bệnh lý nào đó như dị dạng mạch máu não hoặc bị rối loạn đông máu nặng.
BSCKI Đinh Tấn Phương khuyến cáo, khi trẻ bị chấn thương đầu do té ngã, va đập sẽ có những dấu hiệu cảnh báo, đầu tiên nhất là rối loạn tri giác, la hét bứt rứt vì tăng áp lực nội sọ. Tuy nhiên, trong trường hợp này người nhà đã phát hiện hơi chậm khi trẻ đã lên cơn co giật toàn thân, thở hước.
Đây là một triệu chứng cho thấy trẻ bị thiếu oxy não do phù não chèn ép. Chẩn đoán cuối cùng của bệnh viện là phù não xuất huyết não trên trẻ ngưng tim ngưng thở. Sau hơn 1 ngày cấp cứu tích cực, bệnh nhi đã không qua khỏi.
Trên nguyên tắc, những ca đột tử ở trẻ với nguyên nhân rối loạn thần kinh nghi ngờ liên quan xuất huyết não - hay gặp nhất; hay các nguyên nhân khác xuất huyết nội tạng, xuất huyết phổi, suy hô hấp mà thường đa số sẽ có dấu hiệu ngoài da như ngực bầm, đầu sưng…; hoặc những dấu hiệu đặc biệt như có lằn bất thường ở cổ hoặc những ca tử vong bất ngờ không giải thích được nguyên nhân, không do bệnh lý, mà có yếu tố gia đình phức tạp; bác sĩ tiếp nhận điều trị có thể nghi ngờ một trường hợp liên quan đến bạo hành.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi và có kết quả khám sơ bộ, các bác sĩ của Bệnh viện quận Bình Tân đã mời công an địa phương nơi xảy ra vụ việc để làm việc. Hiện nguyên nhân tử vong bất thường của trẻ đang được công an vào cuộc và điều tra vì có một số yếu tố xã hội liên quan.