<div> <p><strong>79 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng</strong></p> <p>Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.</p> <p>- Tính từ 18h ngày 18/11 đến 18h ngày 19/11: 4 ca mắc mới, đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay.</p> <p>Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 79 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.</p> <p>Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 94 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.</p> <p>Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 111 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.</p> <div> <p>Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.888, trong đó:</p> <p>- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 197</p> <p>- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.766</p> <p>- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 925.</p> <p>Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: - 18 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1122-BN1123-BN1131-BN1145-BN1146-BN1166-BN1159-BN1157-BN1196-BN1193-BN1200-BN1198-BN1167-BN1199-BN1195-BN1165-BN1173-BN1179</p> <p>Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.142 bệnh nhân/ 1.304 bệnh nhân COVID-19</p> <p>Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.</p> <p>Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 10 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 10 ca, số ca âm tính lần 3 là 3 ca.</p> <p>Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).</p> <div><strong>Việt Nam chia sẻ 10 bài học kinh nghiệm phòng, chống và điều trị COVID-19 với quốc tế</strong></div> <div> <p>Tại Diễn đàn các xu hướng y tế Tương lai 2020 do Trường Đại học Quốc gia Singapore tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các diễn giả và đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Bangladesh..., Ban tổ chức đã mời PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban điều trị COVID-19, đại diện cho Việt Nam tham dự.</p> <p>PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã chia sẻ kinh nghiệm phòng chống và điều trị COVID-19 của Việt Nam và các bài học kinh nghiệm tạo nên sự thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch/ điều trị COVID-19 và định hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới của Bộ Y tế Việt Nam.</p> <div> <p>PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã chia sẻ với 10 bài học từ Việt Nam:</p> <p>1. Sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các hệ thống chính trị, bộ ngành, sự đồng lòng của người dân. Thiết lập hệ thống chỉ đạo xuyên suốt.</p> <p>2. Xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó với các tình huống cấp độ dịch bệnh.</p> <p>3. Tổ chức phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc, điều trị - Quản lý thông tin báo cáo ca bệnh.</p> <p>4. Cập nhật thường xuyên các hướng dẫn chuyên môn.</p> <p>5. Xây dựng các quy định về trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho đơn vị điều trị COVID-19.</p> <p>6. Thiết lập hệ thống xét nghiệm ngay tại cơ sở khám chữa bệnh.</p> <p>7. Đánh giá thực trạng nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, đào tạo, bổ sung năng lực chuyên môn.</p> <p>8. Thành lập đội cơ động và hỗ trợ thường xuyên cho địa phương.</p> <p>9. Thành lập Trung tâm Trực tuyến hỗ trợ điều trị COVID-19.</p> <p>10. Theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên thực hiện tiêu chí chất lượng bệnh viện an toàn phòng chống COVID-19.</p> </div> </div> </div> <p class="article-author cms-author"> </p> </div> <p> </p>