Sợ mổ sẽ chết vì biến chứng
Ngày 4/2/2020, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E tiến hành thay khớp háng cho 3 người già trên 80 tuổi bị ngã gãy cổ xương đùi.
Đó là bà Nguyễn Thị H (87 tuổi, ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ngày 3/2, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng đau đớn và mất vận động khớp háng bên trái do bị ngã trượt chân trên sân. Kết quả X-quang cho thấy, bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi bên trái và được chỉ định thay khớp háng trái bán phần không xi măng.
Bệnh nhân thứ hai là ông Nguyễn Thế H (82 tuổi, ở Xuân Phong, huyện Xuân Trường, Nam Định) bị tai nạn ngã nghiêng, không thể vận động được chân trái ngày 3/2 và được chỉ định thay khớp háng bán phần.
Bệnh nhân thứ ba là bà Nguyễn Thị N (81 tuổi, ở Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Trước đó, bệnh nhân bị trượt ngã trong nhà vệ sinh, dẫn đến tình trạng gãy phức tạp liên mấu chuyển xương bên phải, gây mất vận động. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu ngày 31/1 nhưng do bệnh nhân đã từng phẫu thuật bắc cầu động mạch chi dưới trái, điều trị huyết áp cao, đái tháo đường trên 10 năm, thể trạng béo phì (thừa cân) nên các bác sĩ phải điều trị các bệnh lý nền ổn định, trước khi tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần chuôi dài.
Hội chẩn tình trạng bệnh nhân thay khớp tại Bệnh viện E |
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Tiệp, Khoa Chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thay khớp háng là một trong những giải pháp then chốt cho người bệnh khi bị gãy cổ xương đùi hay vỡ chỏm xương đùi do chấn thương…Một số người cho rằng, người già gãy xương sức yếu không nên mổ chỉ đắp lá hoặc chăm sóc mà không biết rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tử vong. Bởi xương đùi gãy rất khó liền và do không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi nên người bệnh khó có khả năng đi lại như trước và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động như: Chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn; khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau; do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động sinh lý, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; loét ở những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng...; ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới ... và người bệnh chết vì viêm đường hô hấp, tiết niệu, thiểu dưỡng do loét... trước khi chết do gãy xương.
Kỹ thuật giảm đau tiên tiến đi lại ngay trong ngày
Theo BSCKII Kiều Quốc Hiền – trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn. Mổ càng sớm càng tốt. Ca mổ diễn ra trong vòng 30-45 phút, các bác sĩ loại bỏ phần cổ xương đùi bị gãy và thay vào đó bằng một khớp háng nhân tạo. Các bác sĩ sử dụng chuôi lớn chiếm hết phần xương xốp mới đủ độ vững của khớp, sau mổ người bệnh tì đè khi vận động không bị đau đớn.
Khi thực hiện kỹ thuật này, những bệnh nhân lớn tuổi được thực hiện kỹ thuật giảm đau trong mổ tiên tiến nhất dưới hướng dẫn của siêu âm, đảm bảo tính chính xác và hiệu quả của kỹ thuật giảm đau. Bệnh nhân tập phục hồi chức năng ngay ngày thứ đầu tiên hoặc ngày thứ 2 sau mổ với sự hỗ trợ của kỹ thuật giảm đau sau mổ giúp bệnh nhân tập luyện không đau và ra viện sớm.
BSCKII Hiền khuyến cáo, để phòng tránh gãy xương, người cao tuổi cần điều trị chống loãng xương tốt, khám định kỳ 6 tháng/lần, bổ sung canxi trong chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, vận đông tập thể dục thường xuyên… Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy vùng cổ xương đùi thì cần tìm cách cố định vùng tổn thương, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp – chấn thương chỉnh hình để được thay khớp háng sớm.