Hạn mức dự kiến: 10 triệu đồng/tháng
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, hiện thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, các hình thức thanh toán hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ xu thế phát triển, 99% giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Cần phải có một nền tảng thanh toán rộng khắp và tiện ích, có thể phổ biến đến 100% người dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động đã đạt 100% từ nhiều năm nay. Vì vậy, thanh toán thông qua điện thoại di động (Mobile Money) sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt đến mọi người dân,
Vụ trưởng Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng cho biết, Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động... và những dịch vụ tương tự.
Theo đó, người dùng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước...), chuyển/nhận tiền, quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người).
Hạn mức thanh toán dự kiến cho Mobile Money tại Việt Nam đang được “chốt” là ở mức 10 triệu đồng (hơn 400 USD) một tháng. Ở các nước khác, hạn mức trung bình khoảng 206 USD một tháng. "Hạn mức bước đầu như vậy, sau sẽ điều chỉnh phù hợp cho thị trường phát triển” - ông Dũng nói thêm.
Cũng theo ông Dũng, hiện đã có 90 quốc gia triển khai dịch vụ tiền di động với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký; lượng giao dịch trung bình của dịch vụ tiền di động là khoảng 1 tỷ USD/ngày. Nếu năm 2019, Việt Nam cấp phép thử nghiệm Mobile Money, thì Việt Nam sẽ là nước thứ 91 có nền tảng thanh toán Mobile Money. Phương án cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm Mobile Money đã được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng ngày 4/4/2019. Sau một tháng, Thủ tướng đã trả về, yêu cầu xin ý kiến các bộ và đang được Ngân hàng Nhà nước tiến hành.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, với các quốc gia chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, dịch vụ tiền di động thường được triển khai bằng cách tiếp cận "thử và học hỏi". Dù đi theo cách tiếp cận nào, các nước trên thế giới đều hướng tới một mục tiêu chung là hoàn thiện hệ thống tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về giới trong sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống. Cùng với đó, Nhà nước vẫn bảo đảm các quy định về an toàn, bảo mật, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố song song với bảo vệ người dùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ có nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết cho Mobile Money. Mặc dù cũng có những thách thức, rủi ro nhất định đi kèm, nhưng xét về tổng thể, lợi ích của Mobile Money lớn hơn rất nhiều. Do vậy, Chính phủ và các bên liên quan, các chuyên gia kinh tế sẽ cùng bàn bạc, thảo luận để có những giải pháp giảm thiểu rủi ro, rút kinh nghiệm các nước đi trước, phát triển một thị trường tài chính lành mạnh và toàn diện.
Chuối cũng có giá cao hơn
Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Mobile Money bản chất là eMoney, là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. Do vậy, triển khai Mobile Money, thách thức lớn nhất với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xách, phải làm xác thực như ngân hàng, tránh mạo danh... Quyền lợi của khách hàng khi sử dụng Mobile Money cũng phải được đảm bảo.
Ở một số quốc gia, tiền của khách hàng được dùng vào nhiều việc, đảm bảo bằng nhiều phương thức như gửi ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro thấp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước dự kiến quy định, tổng số dư của Mobile Money phải tương ứng với số dư công ty ví ấy gửi đảm bảo tại ngân hàng và chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo ấy cho mục đích sử dụng ví. Công ty Mobile Money có thể thua lỗ, phá sản, tiền khách hàng nạp vào ví vẫn được đảm bảo ở ngân hàng.
Lo ngại về việc các nhà mạng có thể trở thành những "đối thủ" mới của ngân hàng, ông Hùng cho biết, Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng sau này cho ngân hàng. Mobile Money đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Ví dụ, tại Kenya, sau 3 năm triển khai, tỷ lệ sử dụng ngân hàng tăng 19%, chính nhờ vào sự phát triển của dịch vụ Mobile Money.
Thực tế, người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đang bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống. Mobile Money được kỳ vọng là giải pháp giúp họ tiếp cận các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Thông qua Mobile Money, một người nông dân có thể bán nông sản cho một người ở xa. Việc thanh toán qua thuê bao di động giúp những người ở thành phố có thể mua và trả tiền cho nải chuối từ một vườn cây ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc. Nhờ vậy, người nông dân cũng bán được giá cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Vì vậy, "Không lý do gì không làm nhanh Mobile Money trong 2019". Hiện đối tượng triển khai Mobile Money là các công ty viễn thông cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán.
Như vậy, sau khi được Chính phủ đồng ý, 2 trên 3 đơn vị viễn thông lớn là Vinaphone và Viettel có thể tham gia ngay. Mobifone hiện cũng đang trong quá trình xin cấp phép trung gian thanh toán. Như vậy, không chỉ là hạ tầng viễn thông, các nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều hoạt động: dữ liệu, thanh toán, nội dung số, xác thực, dịch vụ công nghệ thông tin, IoT...