Ngày 25/3, bệnh nhân N.C.C (36 tuổi, Hà Nội) nhập viện BVĐK Hồng Ngọc trong tình trạng hôn mê, xuất huyết não dưới nhện, suy thận mạn giai đoạn 5…
Qua khai thác bệnh sử được biết bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3 khoảng 1 năm nay, tăng huyết áp nhưng không điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa mà tự uống thuốc nam điều trị tại nhà.
Thời điểm nhập viện, người bệnh trong tình trạng hôn mê, glasgow 6 điểm, 2 mắt lồi, liệt hoàn toàn 1/2 người phải, huyết áp 200/120mmHg, rối loạn nhịp thở, dẫn lưu não thất ra máu đỏ tươi, sốt cao 39 độ C.
Xác định đây là trường hợp biến chứng suy thận nặng, bệnh nhân được chỉ định đặt nội khí quản, thở máy và tiến hành lọc máu cấp cứu kết hợp điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Bệnh nhân hôn mê vì dùng thuốc Nam trị bệnh thận mạn đã được cứu sống - Ảnh: BVCC |
Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, phối hợp liên chuyên khoa Hồi sức tích cực, Thận lọc máu và Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tích cực: hết sốt, ý thức tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn ngon miệng, cơ lực tay và chân phải dần phục hồi, huyết áp được kiểm soát tương đối ổn định. Ngày 29/4, anh N.C.C xuất viện trong niềm vui của gia đình và ekip bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hải, Trưởng Đơn nguyên Thận nhân tạo BVĐK Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh cho biết: Suy thận mạn là bệnh lý nguy hiểm, cần điều trị lâu dài. Tuy nhiên triệu chứng bệnh giai đoạn đầu thường không quá rõ ràng dẫn tới nhiều bệnh nhân chủ quan.
Trường hợp của anh N.C.C được coi là một kỳ tích trong điều trị, còn với những trường hợp khác, việc có được cấp cứu kịp thời hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ đe dọa tính mạng.