Mồng tơi nhuận tràng

(khoahocdoisong.vn) - Mồng tơi vị thuốc đông y còn gọi là lạc quỳ. Mồng tơi thường trồng hai loại cây xanh lá dầy và cây tím lá mỏng. Nói đến rau mồng tơi là nghĩ ngay đến tác dụng mát, nhuận tràng. Mồng tơi thường được dùng nấu canh cua, luộc chấm mắm, nấu lẩu với nhiều loại rau khác. Mùa hè ở nông thôn thường nấu canh cua với rau thập tàng như mồng tơi, rau đay, mướp hương ăn với cà pháo muối giòn rất ngon.

Theo YHCT, mồng tơi có vị chua, tính hàn. Tác dụng nhuận tràng, sinh tân, mát huyết, thường chữa trĩ, táo bón, nội nhiệt khô khát.

 Tính thành phần dinh dưỡng trong 100g rau mồng tơi có nước 93,2g; protein 2g; gluxit 1,4g;  tro 0,9g,  caroten 3,6mg; vitamin C 7,2mg. Tài liệu gần đây cho rằng chất nhầy pectin trong rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thải trừ chất béo, ăn rất thích hợp với người cần giảm cân, béo phì, tiểu đường, táo nhiệt, người thường xuyên phải làm việc ngoài nắng nóng. Mồng tơi còn được xem là rau bổ mát, vị thuốc quý chữa mập phì cho người nóng nhiệt.

  Một số món ăn bài thuốc

    -Chữa mập phì  nóng nhiệt do can khí uất kết, mồng tơi nấu canh tép hoặc cua  ăn thường xuyên.

    -Chữa táo bón, da khô sần, mồng tơi phối hợp mè đen sắc nước uống, hoặc nấu canh ăn  thường xuyên.

    -Chữa phụ nữ sau sinh nứt núm vú, lá mồng tơi sắc nước uống, đắp ngoài ngày vài lần.

    -Chữa tim nóng, người bứt rứt, khó ngủ, dùng mồng tơi lá tím nấu canh với con trai đồng.

    -Chữa đau mắt đỏ, mồng tơi, rau má, mã đề mỗi vị 20-30g sắc uống.

    -Nước ép quả mồng tơi chín nhỏ mắt, trị đau mắt, khô mắt.

    -Hạt phơi sấy khô tán nhỏ xoa rôm sảy, khô sần da rất tốt.

     Lưu ý mồng tơi có tính hàn, không sử dụng cho người bụng lạnh, đang bị đi cầu lỏng.

LY Phan Thị Thạnh (BCH Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top