Viêm tắc động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do vữa xơ động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Bệnh dễ mắc ở những người có các yếu tố nguy cơ như: Hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì… Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên với tổn thương đặc trưng là viêm tắc một phần hay hoàn toàn các động mạch ở chi thể dẫn đến tình trạng suy giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng các tổ chức gây nên triệu chứng đau, mỏi cứng ở bắp chân, bắp đùi khi đi bộ thậm chí cả lúc nghỉ ngơi, đau đớn nặng nề, teo cơ, lở loét rồi cuối cùng là hoại tử chi và cắt cụt chi.
Bệnh rất thường gặp nhưng nhiều người hay nghĩ đó là biểu hiện của tuổi già, hoặc các bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi… đến khi phát hiện được thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Để phòng, chữa căn bệnh này cần chú ý chế độ ăn uống điều trị.
Cháo thịt gà: Thịt ức gà 250g thái miếng đem ướp với gừng thái chỉ, hành củ giã nát, muối và một chút rượu vang trong 60 phút rồi đem ninh với 250g gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Ích khí ôn kinh, tốt cho người bệnh thuộc thể hư hàn, với biểu hiện sợ lạnh, thích ấm, chi thể lạnh lẽo, đau đớn, nhức nhối, tê bì, tăng lên khi lạnh, giảm khi chườm hoặc ngâm nước nóng, sắc da nhợt nhạt, vết loét xám tối, chất lưỡi nhợt tía, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền khẩn.
Cháo lệ chi: Lệ chi 5 quả đem nấu với 30g gạo tẻ thành cháo, ăn nguội. Công dụng: Thanh nhiệt dưỡng âm, trừ phiền, tốt cho người bệnh thuộc thể nhiệt ứ. Biểu hiện, người bệnh thích lạnh, sợ nóng, chi thể đau đớn nhức nhối như lửa đốt, đau kịch liệt về đêm, chườm lạnh thì đỡ, chườm nóng đau tăng, da vị trí bị bệnh sắc đỏ tía, sưng nề, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ giáng, rêu lưỡi vàng.
Cháo thịt dê + hồng hoa: Thịt dê 200g, hồng hoa 10g, gạo nếp 250g. Thịt dê thái miếng, ướp với gia vị rồi đem ninh với hồng hoa và gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Ôn kinh hoạt lạc, khứ ứ chỉ thống, tốt cho người bệnh thể huyết ứ. Biểu hiện: Chi bị bệnh lạnh, căng trướng, tê bì, đau cách hồi, đau nhiều về đêm, sắc da đỏ tối hoặc đỏ tía hoặc xanh tía, chất lưỡi tía.
Cháo rau sam: Rau sam tươi 250g, huyền sâm 10g, cam thảo sống 10g, dầu vừng 10g, giấm 10g, gạo tẻ 60g. Đem huyền sâm và cam thảo sắc trong 20 phút, bỏ bã lấy nước rồi ninh với gạo thành cháo, sau đó cho rau sam thái nhỏ đun thêm vài phút nữa là được, cho dầu, giấm và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm trừ ứ, tốt cho người bệnh thể nhiệt độc. Biểu hiện: Các ngón chân hoặc tay bị bệnh tía xám hoặc hoại tử khô đen, đau như bị thiêu đốt, đau kịch liệt về đêm, có thể bị sốt, môi khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.
Cháo đậu tương: Đậu tương 1 bát, gạo tẻ 90g, đường đỏ 50g. Đậu tương ngâm bỏ vỏ đem nấu với gạo thành cháo rồi cho thêm đường đỏ, ăn trong ngày. Công dụng: Ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết, tốt cho người bệnh thể khí huyết lưỡng hư. Biểu hiện: Thể chất gầy mòn, tinh thần mệt mỏi, thần sắc nhợt nhạt, hay chóng mặt, hồi hộp, sọ lạnh, dễ vã mồ hôi, da khô bong vẩy, móng chân khô dày, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng loãng, cơ nhục teo nhẽo, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng.
BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)