Theo các chuyên gia, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Khi mắc bệnh, ngoài việc tuân thủ theo các phương pháp điều trị của y học hiện đại, y học cổ truyền có nhiều món ăn - bài thuốc giúp phòng và trị bệnh.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng gây nhiều biến chứng: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng... Phòng trị bệnh sởi cần phối hợp nhiều phương pháp, trong đó lựa chọn món ăn bổ mát dễ tiêu phù hợp từng giai đoạn bệnh là rất cần thiết.
Canh củ cà rốt nấm hương thịt đùi lợn bổ mát, rất thích hợp cho người bệnh thời kỳ sởi bay.
Thời kỳ khởi phát
Người bệnh phát sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho hắt hơi, sợ lạnh, mắt đỏ, chảy nước mắt, trằn trọc... Phép trị: Tân lương giải biểu thấu chẩn, nên dùng các món cay mát để đuổi tà khí ra ngoài.
Cháo hạt mùi: hạt mùi 50g hoặc hơn nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo nếp 100g, đậu xanh 50g nấu nhừ, thêm hành, tía tô, gia vị mắm muối vừa đủ, ăn nóng.
Cháo rau thơm: Gạo ngon nấu nhừ 100g, cá lóc luộc lấy thịt phi hành cho thơm 50g, khi ăn, cho nhiều rau mùi, tía tô, hành hoa, gừng, ăn ấm.
Canh cá lóc: Cá lóc 1 con nướng chín lấy thịt, rau tần ô (cải cúc) 100g, thêm gia vị nấu canh.
Canh rau má: Rau má 200g, thịt lợn nạc băm 50g, nước, gia vị vừa đủ nấu canh.
Nước mía ép: Mía, rau mùi 100g ép nước khoảng 1 ly uống ngày vài lần.
Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, có thể gây thành dịch và có nhiều biến chứng...
Thời kỳ sởi mọc
Người bệnh ho nhiều, còn sốt cao, đau họng, nốt sởi xuất hiện từ phía sau tai, vùng cổ lan dần ra toàn thân... Phép trị chủ yếu thanh nhiệt giải độc thấu chẩn. Tốt nhất dùng món bổ mát giải nhiệt độc.
Cháo đậu xanh: Đậu xanh 200g còn nguyên vỏ nấu nhừ cho muối, đường vừa đủ ăn.
Cháo cá chép: Cá chép luộc lấy thịt phi hành cho thơm, cùng gạo ngon nấu nhừ cho gia vị, rau mùi, hành hoa, ăn nóng.
Canh bí đao: Bí đao 200g, chân giò lợn 200g, làm sạch chặt khúc, thêm rau ngò, hành hoa, gia vị nấu canh.
Canh rau thập tàng: Rau dền, rau đay, mồng tơi, mảng bát mỗi thứ 50g, thịt cua đồng 100g nấu canh.
Canh chua cá lóc: Giá đậu 100g, dứa 50g, cà chua 30g, đậu bắp 40g. Cá lóc làm sạch 100g, me gia vị vừa đủ nấu canh.
Canh mướp đắng: Mướp đắng 2 quả khoảng 200g bỏ ruột; đậu phụ non 30g, mộc nhĩ đen 20g, miến 20g, gia vị vừa đủ nhồi vào mướp đắng, nấu canh.
Thời kỳ sởi bay
Người bệnh biểu hiện: nốt sởi bớt đỏ, sốt cao đã giảm, sởi lặn dần từ cổ xuống chân, miệng họng khô, ho khan ít đờm... Giai đoạn này cần dưỡng âm, sinh tân, thanh giải tà độc còn sót lại, tốt nhất là dùng món bổ mát tiêu độc.
Canh khoai mỡ: Khoai mỡ tím 100g, thịt lợn nạc băm 50g, rau mùi 20g, gia vị mắm muối vừa đủ nấu canh.
Canh khoai từ: Khoai từ 200g, thịt đùi lợn 50g, hành mùi, gia vị vừa đủ nấu ăn.
Chè đậu ván: Đậu ván 300g ngâm nước nóng qua đêm, bỏ vỏ ngoài; bột sắn dây 30g; lá dứa nếp 20g, giã lọc lấy nước, đường cát vừa đủ nấu chè.
Chè đậu đen: Đậu đen xanh lòng 100g, đường cát vừa đủ nấu chè.
Canh củ cải: Củ cải 100g, cà rốt 50g, nấm hương 20g, thịt chân giò lợn 50g. Tất cả nấu canh.
Lưu ý:
Bệnh sởi phần nhiều thiên về nóng (nhiệt) sốt lâu mất tân dịch mất nước. Vì vậy, tránh thức ăn khô nóng; thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và thịt; cá chiên rán, kho, cho nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi... Nếu đang sốt cao, hạn chế ăn đạm động vật, thay bằng đạm thực vật có trong các loại đậu vừa mát lại dễ tiêu.
Nếu thời kỳ sởi mọc, bệnh nhân lại cảm thêm phong hàn hoặc do trời quá rét làm sởi mọc không được thì kiêng các thức ăn chua lạnh như cam, rau diếp cá, rau càng cua, cà, bún ốc, hến...