Ăn uống chú ý chất lượng
Mùa đông do thời tiết lạnh giá, mức hormon có tác dụng làm co mạch trong máu tăng cao, làm cho tiểu động mạch dễ bị co thắt. Người mắc bệnh động mạch vành vốn trong động mạch vành đã có mỡ lắng đọng, lòng mạch bị thu hẹp lại, nếu động mạch vành bị thắt thì sẽ làm cho cửa động mạch vành vốn đã hẹp sẽ bị co lại hơn, khiến cho huyết áp tăng cao, lượng oxy tiêu hao tăng lên, rất dễ làm cho bệnh tình xấu đi, thậm chí dẫn đến nhồi máu cơ tim. Cho nên mùa đông hàng năm đều là thời kỳ đỉnh điểm phát bệnh động mạch vành.
Bồi bổ có ý nghĩa rất tốt trong việc giữ cho thân nhiệt được ổn định vào mùa đông ở những người mắc bệnh động mạch vành. Trước tiên phải ăn uống hợp lý. Phải chú ý đến chất lượng khi ăn uống. Tổng lượng ăn vào mỗi ngày tốt nhất không vượt quá 300g, đồng thời phân phối theo ba bữa là sáng 50g, trưa 150g, tối 100g. Ăn uống quá lượng, đói no không đều sẽ trực tiếp làm nặng thêm phụ tải cho tim và bất lợi trong việc khống chế bệnh tình. Phải chú ý đến chất lượng ăn uống nguyên tắc chung là ăn các thức ăn có ít mỡ, cholesterol thấp, ít muối, giảm hàm lượng protein đưa vào ở mức độ nhất định, ăn nhiều hơn các chế phẩm đậu, thịt lạc, rau xanh và trái cây.
Bồi bổ đúng cách
Theo y học cổ truyền, bệnh động mạch vành thuộc các chứng “tâm thống” (đau tim), “hung tê” (đau ngực). Sự phát sinh của bệnh có liên quan tới sự thịnh suy của các tạng tâm (tim), can (gan), thận và tỳ cùng sự mất điều hòa khí huyết gây nên huyết ứ, khí trệ, đàm trọc mà dẫn đến “tâm thống” hoặc “hung tê”. Trên cơ sở ăn uống hợp lý nếu bồi bổ cho đúng cách thì sẽ giúp cho động mạch vành được thông suốt. Chọn các món ăn bài thuốc có tác dụng ôn thông, bổ khí, hoạt huyết, giảm mỡ ...để vừa có món ăn ngon lại có tác dụng chữa bệnh:
Cháo bồ câu: Chim bồ câu 1 con, gạo tẻ 80g, táo nhân 20g, gia vị vừa đủ. Chim bồ câu vặt lông, bỏ nội tạng, băm nhỏ nêm gia vị, sau đó cho vào xào chín kỹ. Gạo tẻ đãi sạch thêm nước hầm thành cháo. Táo nhân sao đen tán bột mịn. Cho gạo vào nồi đổ nước vừa đủ nấu cháo, khi cháo chín cho thịt chim bồ câu và bột táo nhân vào trộn đều, cho sôi lại là được. Thêm gia vị ăn trong ngày. Chim bồ câu bổ ngũ tạng, lưu thông huyết mạch; táo nhân sao đen dưỡng tâm an thần. Dùng món này cải thiện được tâm khí, tốt cho người bị hoảng hốt, lo âu, tâm thần hao tán, đau vùng ngực, khó thở, giấc ngủ chập chờn…
Canh mộc nhĩ đen: Mộc nhĩ đen 6g, một ít đường trắng. Mộc nhĩ đen ngâm nở, rửa sạch, bỏ vào nồi thêm nước nấu sôi, vặn lửa nhỏ nấu đến nhừ, cho đường cát trắng vào nấu tan là được. Ăn mộc nhĩ uống canh, mỗi ngày 1 – 3 lần. Có tác dụng: Hoạt huyết khử hư, giảm chất béo. Chủ trị: Bệnh động mạch vành, cholesterol máu, hoặc tăng huyết áp thuộc chứng khí trệ, huyết ứ.
Canh thịt lợn phật thủ: Phật thủ 10g, ý dĩ nhân 30g, mộc nhĩ đen 6g, thịt lợn nạc 60g, gia vị lượng thích hợp. Cho các thứ trên vào nồi nấu canh. Mỗi ngày ăn 1 lần, có thể dùng thường xuyên. Có tác dụng: Lý khí, hoạt huyết, bổ khí. Chủ trị bệnh động mạch vành, khí trệ huyết ứ.
Cháo cà rốt, gạo tẻ: Cà rốt tươi vừa đủ, nấu với gạo tẻ thành cháo. Ăn vào 2 buổi sáng, chiều. Cháo này có thể ăn thường xuyên, kéo dài, có tác dụng chữa và phòng bệnh tăng huyết áp, giảm lượng mỡ trong máu, tăng cường thể lực ở người cao tuổi.
Cháo tim lợn: Tim lợn 1 quả, gạo tẻ 80g, lạc tiên phơi khô 40g, gia vị vừa đủ. Tim lợn thái lát mỏng, ướp gia vị rồi xào chín. Lạc tiên cho vào ấm, đổ nước nấu sôi 20 phút rồi rót lấy nước bỏ bã. Lấy nước này thêm gạo hầm cháo cho chín kỹ. Khi cháo được, cho tim lợn vào trộn đều, cho sôi lại là được, nêm gia vị vừa ăn, ăn nóng, chia ăn hai lần sáng chiều. Tim lợn bổ tâm huyết; lạc tiên an thần. Món này rất tốt cho người bị đau ngực, hồi hộp lo âu, bồn chồn, thiếu máu cơ tim, tinh thần bất an, giấc ngủ chập chờn...
Rau cần nấu với táo tàu: Dùng 500g rau cần, 200g táo tàu, nấu chín rau cần với táo tàu ăn. Có tác dụng hạ huyết áp, an thần, tốt cho bệnh mạch vành.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)