1. Gỏi trộn
Các món gỏi trộn thường có nhiều rau và vị chua nhẹ từ chanh hoặc giấm do đó sẽ là món ăn chống ngán ngày Tết rất hiệu quả. Vị chua thường rất kích thích vị giác, các loại rau củ dùng làm gỏi có vị thanh nhẹ khiến bạn không hề bị ngấy khi ăn.
Ngày Tết mọi người thường ưa chuộng những món gỏi trộn như: gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi bò hoa chuối, gỏi xoài tôm khô, … để làm món khai vị trong những bữa tiệc gặp mặt ngày Tết, vị chua sẽ giúp kích thích vị giác, khi thưởng thức những món ăn sau sẽ cảm thấy ngon miệng và trọn hương vị hơn.
Cách làm gỏi nộm hoa chuối: 1 búp hoa chuối tươi; 500g tôm tươi; Rau thơm: Rau húng, quế, rau mùi
Đậu phộng rang, vừng rang, mắm tôm, chanh tươi, tỏi tươi, đường. Hoa chuối mua về lột bỏ lá già rồi thái mỏng, ngâm nước vo gạo khoảng nửa tiếng hoặc cho vài muỗng canh giấm pha nước lạnh cho ra chất mủ, chất nhựa. Sau đó, bạn lấy ra rửa lại sạch bằng nước lạnh, để ráo nước. Rau thơm rửa sạch thái nhỏ. Tôm lột vỏ, lấy đất sống lưng, luộc vừa chín tới xẻ làm hai.
Dùng nồi cho vài tép tỏi tươi băm nhuyễn trộn với mắm tôm, chanh vắt nước. Cho hoa chuối, rau thơm vào bóp và trộn đều, nêm chút đường, chút chua mặn cho vừa miệng ăn. Sau đó cho vài muỗng canh vừng (mè) đã rang vào trộn cho đều. Cuối cùng, bày gỏi lên đĩa lớn, đặt tôm, rắc đậu phộng rang, cho vài miếng ớt lên trên.
Đây là món ăn quen thuộc lại rất dễ làm, không tốn nhiều thời gian, công sức. Các mẹ chỉ cần dành chút ít thời gian là đã có thể chuẩn bị được món nộm hoa chuối thơm ngon, hấp dẫn, vừa thanh lọc cơ thể, vừa giúp giảm ngán ăn trong bữa cơm ngày Tết.
2. Tai heo ngâm giấm
Tai heo ngâm giấm có vị chua chua ngọt ngọt, cắn vào giòn sần sật rất vui miệng, giúp chống ngán và lấy lại khẩu vị rất nhanh.
Cách làm: Tai lợn; Giấm gạo; Đường, muối; Ớt, tiêu hạt, hành khô, tỏi, gừng. Tai lợn cạo sạch lông, dùng dấm và muối hạt chà sạch. Đun sôi nước rồi cho gừng đập dập, hành khô thái lát, ít hạt tiêu và một thìa con nước mắm để luộc tai lợn. Tai lợn khi đã được luộc chín thì bạn vớt ngay ra rồi thả vào nước lạnh. Làm như vậy tai lợn sẽ trắng và giòn, độ săn trên bề mặt của tai cũng được đảm bảo hơn. Sau khi thấy tai nguội thì bạn có thể vớt ra để ráo nước.
Tiếp theo, pha hỗn hợp giấm ngâm: cần cho 2 bát con nước giấm cùng 1 bát rưỡi đường và 1/3 thìa muối vào nồi đun sôi lên cho hỗn hợp được tan đều. Nước để nguội và đổ vào phần tai luộc chín sao cho vừa đủ để ngập hết phần tai cho tai có thể ngấm đều gia vị. Bạn có thể cho thêm chút ớt cùng với hành, tỏi đã được băm sẵn, ít hạt tiêu và dấm đường vào lọ rồi đậy kín lắp lại để 5-7 ngày là có thể thưởng thức.
Rau củ ngâm |
3. 7 sắc cầu vồng rau củ muối chua: Làm rau củ chua ngọt này có thể áp dụng cho nhiều thể loại rau củ khác nhau được, trữ ăn dần dần được và hợp với đủ món.
Cách làm: 1 lít nước (dùng nước lọc); 400ml dấm (nên dùng dấm trắng, dấm gạo hoặc dấm táo, nếu dấm mùi nồng quá thì có thể giảm bớt còn 300ml); 200g đường, 80g muối (nên dùng muối biển thô, không dùng muối tinh).
Rửa và cắt miếng rau củ, tùy từng loại mà chọn cách cắt theo miếng thanh dài, hay xắt lát cho phù hợp.
Đong lượng nước ngâm vừa đủ cho số lượng rau củ và lọ chứa. Đem đun nhẹ toàn bộ nguyên liệu làm nước ngâm: nước, dấm, đường, muối, cho tan hết hòa quyện. Tắt bếp. Để nước ngâm nguội về nhiệt độ phòng hoặc âm ấm 30-35 độC. Nhiệt độ nước ngâm càng ấm thì thời gian lên men càng nhanh, nhưng không được nóng quá sẽ chết men.
Xóc rau củ với một chút muối. Để khoảng 15 phút cho muối rút bớt nước ở rau củ đi.
Xếp rau củ và các loại gia vị để tăng hương vị (phù hợp với từng loại rau củ): tỏi, ớt, hạt tiêu... vào lọ thủy tinh đã sạch khô ráo.Rót nước ngâm đang ấm hoặc đã nguội hẳn vào. Nước ngâm phải ngập kín rau củ. Đậy nắp lọ kín để ở nhiệt độ phòng. Sau 24h kiểm tra đã thấy ăn được rồi. Khi rau củ chua ngọt giòn đủ ngấm thì cho vào tủ lạnh ăn dần.
Món này có thể ăn kèm trong bữa cơm, trộn cùng salad, làm gỏi, hoặc thậm chí xay nhuyễn cùng các loại sốt salad để tăng hương vị sốt cũng rất độc đáo.