Món ăn – bài thuốc chữa đau đầu

Đau đầu là bệnh thường gặp. Khi bị bệnh, ngoài thăm khám, dùng thuốc có thể sử dụng một số loại thực phẩm chế biến thành món ăn để phòng và chữa bệnh này khá hiệu quả.

Bắt nguồn từ cơ chế cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, các món ăn, bài thuốc có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau đầu một cách hiệu quả.

Nhiều bệnh lý gây bệnh

Đau đầu là một chứng trạng thường gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ thần kinh trung ương. Trong y học cổ truyền, đau đầu được gọi là “đầu thống” gây nên bởi ngoại cảm hoặc nội thương tạp bệnh và được phân ra thành nhiều thể bệnh như:

Thể Phong hàn: Đầu căng đau, phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, chảy nước mũi, không khát, tiểu tiện trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

Thể Phong nhiệt: Đầu và mắt đau chướng, phát sốt, sợ gió, miệng khát họng đau, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Thể Phong thấp: Đầu đau nặng như đeo đá, chân tay mỏi nặng, ngực bụng đầy chướng, tiểu tiện bất lợi, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu.

Thể Can dương thượng cang: Thường đau nửa đầu, đau chướng giật, dễ cáu giận, giấc ngủ bất an, chóng mặt, đau hai bên sườn, mặt đỏ, miệng đắng, mạch huyền hữu lực.

Thể Đàm trọc: Đầu đau nặng, có cảm giác u ám, chóng mặt, ngực bụng đầy chướng, buồn nôn hoặc nôn ra đờm rãi, rêu lưỡi trắng dính, mạch huyền hoạt.

Thể Khí hư: Đầu đau âm ỉ, tăng lên khi suy nghĩ nhiều, thường vào buổi sáng, toàn thân mệt mỏi như mất sức, ăn kém, có cảm giác khó thở, sợ lạnh, chất lưỡi nhợt, mạch tế vô lực.

Thể Huyết hư: Đầu đau triền miên, môi mặt nhợt nhạt, hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh, mắt mờ, tức ngực trái, chất lưỡi nhợt, mạch hư sáp.

Thể Thận hư: Đầu đau có cảm giác như trống rỗng, có tiếng ve kêu trong não, hoa mắt chóng mặt, tai ù, tai điếc, đầu gối yếu mỏi, lưng đau, di tinh, liệt dương ở nam, khí hư nhiều ở nữ, chất lưỡi hồng hoặc nhợt, mạch tế vi vô lực.

Món ăn – bài thuốc chữa đau đầu - Ảnh minh họa

Món ăn – bài thuốc chữa đau đầu - Ảnh minh họa

Món ăn độc đáo thành bài thuốc chữa bệnh

Về điều trị, trên nguyên tắc toàn diện và biện chứng, sử dụng các biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc, trong đó có một liệu pháp rất độc đáo là lựa chọn thực phẩm phối hợp với dược liệu thành món ăn bài thuốc là phương thang để trị liệu.

Nhân hạt bí đao: Nhân hạt bí đao 500g. Phơi, sấy hạt bí đao cho khô, nghiền thành bột. Mỗi lần uống 10g, ngày uống 2 lần. Có tác dụng chữa nhức đầu, chóng mặt.

Rễ mướp hầm thịt nạc: Rễ mướp 300g, thịt lợn nạc 200g, muối vừa đủ. Rễ mướp rửa sạch, cắt khúc. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng móng. Cho rễ mướp vào nồi nước sôi nấu chín, cho tiếp thịt lợn nạc, nêm muối hầm kỹ là được. Có tác dụng chữa nhức đầu.

Dưa chuột nấu trai: Dưa chuột 1 – 2 quả, thịt trai 60g, muối vừa đủ. Cho thịt trai vào nồi, đổ nước nấu chín. Dưa chuột rửa sạch, thái nhỏ cho vào nấu cùng. Nêm muối vừa miệng là được. Ngày uống hai lần có tác dụng chữa váng đầu.

Nước sinh tố nho, rau cần: Nho 100g, rau cần 100g. Rau cần rửa sạch, thái đoạn nhỏ. Nho rửa sạch, cho cùng rau cần vào máy xay sinh tố xay nhuyễn để uống. Khi uống cho thêm ít nước ấm, ngày uống 3 lần, chữa váng đầu chóng mặt.

Trà cà rốt, vỏ trứng: Cà rốt 200g, vỏ trứng gà 20g, đường phèn 15g. Cà rốt, vỏ trứng rửa sạch, thái vụn. Cho cả vào nồi, chế đủ nước, ninh kỹ, cuối cùng cho đường phèn vào. Có tác dụng chữa chứng đau nửa đầu.

Rau cần xào trứng gà: Rau cần 100g, trứng gà 1 quả. Rau cần rửa sạch, thái đoạn. Cho rau cần vào chảo xào, đập trứng trộn lẫn, đảo tiếp đến khi chín. Ngày ăn hai lần, chữa nhức đầu.

Nước lõi cải trắng: Lõi cải trắng 1 chiếc, gừng tươi 3 lát, đường đỏ 60g. Lõi cải trắng thái mỏng, cho vào nồi nước nấu chín. Cho đường đỏ vào cùng nấu kỹ. Chữa đau đầu do phong hàn (gió lạnh).

Thịt lợn xào hoa thược dược: Hoa thược dược tươi 4 bông, thịt lợn ba chỉ 300g, cà rốt 30g, dưa chuột 30g, tương cà chua 25g, xì dầu 20 ml, rượu vàng 15 ml, đường trắng 15g, giấm ăn, muối gia vị, hạt tiêu vừa đủ.

Hoa thược dược chần qua nước sôi. Cà rốt và dưa chuột rửa sạch, thái miếng. Thịt ba chỉ rửa sạch thái miếng dày 4 mm, cho vào nồi, ướp với đường, muối, rượu, xì dầu, gia vị và một ít nước, đun sôi trên bếp trong 2 giờ.

Tiếp đó, chắt nước thịt ra nồi khác, bỏ dưa chuột, cà rốt, tương cà chua, gia vị vào đun chín rồi đổ thịt vào, rắc hoa thược dược lên trên, đun thêm một lát là được, múc ra đĩa, rắc hạt tiêu, ăn nóng. Công dụng: Dưỡng huyết nhu can, noãn trung chỉ thống, dùng cho đau đầu thể Huyết hư, Khí hư.

Đậu phụ xào hoa hòe: Hoa hòe non 200g, đậu phụ 250g, gừng tươi thái chỉ, hành hoa, rau mùi, giấm ăn, nước canh gà và gia vị vừa đủ. Hoa hòe rửa sạch, để ráo nước, rau mùi rửa sạch, cắt đoạn, đậu phụ thái miếng.

Đặt nồi lên bếp, đổ dầu thực vật vào đun nóng già, cho gừng và hành hoa vào đảo nhanh tay rồi đổ nước canh gà vào cùng với đậu phụ, đun lửa to, vớt bỏ bọt rồi vặn nhỏ lửa đun trong 5-7 phút, tiếp đó cho hoa hòe cùng gia vị vào, đun thêm vài giây là được, ăn nóng. Công dụng: Thanh can giáng hỏa, lương huyết chỉ huyết, dùng cho đau đầu thể Can dương thượng cang.

BS Khánh Hoàng (Hội Đông Y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top