Người dân cần cẩn trọng trước những mối nguy cho trẻ từ đồ vật trong nhà.
Mối nguy từ mép bàn, chậu nước
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, hầu hết các bậc phụ huynh đều ý thức được một số đồ đạc trong gia đình có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, ví dụ như ổ cắm điện, phích nước nóng… và có biện pháp phòng trừ.
Tuy nhiên, ngoài những đồ vật này, trong nhà còn rất nhiều đồ vật khác mà bạn không để ý nó có thể gây nguy hiểm cho trẻ, ví dụ như cây nước nóng lạnh. Bởi nếu trẻ cho tay ấn vào nút nước nóng, nguy cơ bỏng là điều dễ có thể nhìn thấy.
Tương tự, hộp đựng thuốc bạn để trong ngăn tủ. Việc trẻ nhỏ kéo ngăn tủ ra và khám phá là chuyện bình thường. Hộp đựng thuốc thường sẽ có sức thu hút lớn vởi trẻ bởi chúng nhiều màu sắc. Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ cho một viên thuốc nào đó vào miệng ngậm.
Các tủ đựng đồ cũng cần hết sức chú ý. Đã có trường hợp trẻ trèo vào tủ đựng đồ, khiến tủ bị đổ và ngã đè vào bé. Vì vậy, nếu gia đình bạn có tủ đựng đồ, nhất là các loại tủ nhỏ, tủ nhựa dùng cho trẻ, bạn hãy cố định chúng vào tường và đừng chứa quá nhiều đồ khiến cho tủ nặng dễ đổ. Ngoài ra, hãy hạn chế cho trẻ chơi vị trí gần tủ và tránh để những đồ kích thích trí tò mò của trẻ như đổ chơi, bánh kẹo trên hoặc trong tủ.
Một ví dụ nữa là chậu nước bạn để trong nhà tắm. Thông thường sau khi tắm cho trẻ xong, bạn mải bận với việc mặc quần áo cho trẻ và quên luôn việc phải đổ chậu nước đi. Điều đáng nói, hầu hết trẻ nhỏ lại thích nghịch nước, và chuyện gì xảy ra, nếu trong một phút bạn bất cẩn để con bạn chạy vào nhà tắm và ngã vào chậu nước…
Đồ đạc có mép là các góc nhọn cũng là một thứ đồ gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ thường nô đùa chạy nhảy trong khi lại không có kỹ năng bảo vệ mình, chính vì thế việc va đập vào các mép bàn, mép ghế có sắc nhọn là chuyện không hiếm xảy ra.
Hệ thống điện và các thiết bị điện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tivi, quạt, tủ lạnh, máy giặt… là những thứ con bạn rất thích “khám phá”. Hãy treo tivi lên giá, sử dụng các quạt có để chắc chắn hoặc treo quạt lên tường. Tủ lạnh, máy giặt cần để xa khu vực mà trẻ hay chơi đùa.
Theo số liệu từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng của Mỹ (CPSC), tình trạng vị trí đặt tivi không ổn định chắc chắn, hay đồ nội thất cồng kềnh có thể nguy hại cho trẻ nhỏ. Mỗi năm có 38.000 người Mỹ phải nhập viện vì các chấn thương liên quan đến đồ nội thất, số ca liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi lên đến hai phần ba.
Giúp trẻ hiểu các đồ vật trong nhà
TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, hiện quan điểm về an toàn của mọi người là rất khác nhau. Giúp con tránh xa các đồ vật có nguy cơ cao hoặc cấm con tránh xa là một cách bảo vệ con.
Tuy nhiên, cách này có lẽ chỉ nên áp dụng với trẻ dưới 2 tuổi, khi trẻ lớn hơn một chút, hãy dạy trẻ cách hiểu về các đồ vật này, sự nguy hiểm của chúng và làm thế nào để an toàn. Nhiều người nghĩ rằng trẻ không biết gì, thực chất trẻ hiểu những gì bố mẹ nói. Hãy nói với con về chúng, từng chút từng chút một, về mức độ nguy hiểm của chúng và làm sao để an toàn.
Về cách giúp trẻ hiểu được sự nguy hiểm của các đồ vật cũng có nhiều cách. Có bố mẹ để trẻ tự trải nghiệm từ đó rút ra được bài học, chẳng hạn như để trẻ hiểu được việc sờ vào bàn là là nguy hiểm, bố mẹ sẽ cho trẻ chạm nhẹ tay vào bàn là lúc bàn là vẫn còn nóng.
Hoặc cũng có cha mẹ lại chọn cách kiên nhẫn nói chuyện, giảng giải với con, ví dụ như chỉ tay vào mép bàn và nói với con rằng nếu va vào đó sẽ bị đau, chảy máu, cẩn thận khi chơi để không bị va vào chúng.
Huy Khánh