Việc đi bộ đem lại rất nhiều lợi ích mà chúng ta không để ý tới.
Lợi ích của việc đi bộ
Đi bộ là môn thể thao nhẹ nhàng không chỉ giúp bạn giảm cân, giảm căng thẳng mà còn giảm thiểu rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Một nghiên cứu của Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, người tích cực vận động, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, sẽ giảm 30% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Đi bộ cũng giúp ổn định huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ xuống 20 – 40%. Hoạt động này cũng giúp tăng cường chuyển hóa của cơ thể, cải thiện phản ứng cơ thể với insulin làm giảm nồng độ đường trong máu, giảm nguy cơ tiểu đường.
Trao đổi với báo Khoa học & Đời sống, BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cho biết, đi bộ còn ảnh hưởng đến việc huy động chất béo và làm thay đổi thành phần cơ thể, giúp giảm đáng kể mỡ bụng. Đi bộ đẩy nhanh việc trao đổi chất, đốt calo thừa, ngăn chặn mất cơ, đặc biệt quan trọng với người lớn tuổi. Ngoài ra, đi bộ còn cải thiện hoạt động của dạ dày, khuyến khích tiêu hóa tốt.
Bên cạnh những lợi ích giúp giảm béo, giảm nguy cơ bệnh tật, đi bộ với lịch trình đều đặn, thường xuyên còn giúp mang lại nhịp sống lành mạnh hơn, giúp bạn trở nên hoạt bát, tích cực.
Thậm chí các nghiên cứu đã cho thấy, đi bộ thường xuyên tác động tới hệ thống thần kinh rất nhiều, giúp giảm căng thẳng, stress, khiến bạn kiềm chế được sự nóng nảy, giận dữ và đặc biệt giảm nguy cơ trầm cảm, nhất là đối với người cao tuổi.
Bao nhiêu bước mỗi ngày?
Theo trang BBC.com, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đề xuất “đi bộ hằng ngày từ 8.000 – 10.000 bước”; Diễn đàn Bệnh Béo phì Quốc gia Anh cũng khuyên rằng, một người đi từ 7.000 – 10.000 bước mỗi ngày là đủ tiêu chuẩn ở mức “hoạt động vừa phải”. Trong khi đó, Human, một ứng dụng iOS, truyền cảm hứng cho người dùng cố gắng hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày với việc đi bộ.
Những trường hợp không nên đi bộ
Mặc dù đi bộ mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ, nhưng một số trường hợp sau không nên đi bộ nhiều gồm: Người mắc bệnh về xương khớp, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ chân và bàn chân; người mới hồi phục sau các chấn thương; người có bệnh về mạch máu, cụ thể như giãn tĩnh mạch chi dưới, viêm tắc động mạch, tĩnh mạch chi dưới; người đang bị ứ dịch, phù nề chi dưới…
BS Nguyễn Văn Hùng
Bà Laura Williams, một chuyên gia về chế độ ăn kiêng và thể dục thẩm mỹ tại Anh cho rằng, con số 7.000 – 8.000 bước mỗi ngày sẽ dễ đạt được hơn. Tuy nhiên, con số 10.000 bước cũng không phải là quá lớn, đối với một người có sức khoẻ bình thường.
Để đạt được 10.000 bước mỗi ngày thì bạn nên tạo ra cho mình những phân khúc nhỏ trong lộ trình hằng ngày, chứ không nhất thiết phải đi một lần 10.000 bước. Ví dụ như bạn đi bộ khoảng 1km để đi ăn trưa và sau đó quay về, như vậy bạn đã đi được 2km, với tốc độ và bước chân trung bình thì có thể vào khoảng 2.500 – 3.000 bước.
Còn BS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, số bước chân mỗi ngày bao nhiêu còn tùy thuộc vào lứa tuổi cũng như tình trạng sức khoẻ thể chất của mỗi người. Tuy nhiên, ở mức chung nhất thì 30 phút vận động thể chất mỗi ngày là tốt nhất; tùy theo sức khoẻ và độ tuổi mà có thể lựa chọn hoạt động cường độ nặng nhẹ khác nhau.
Ví dụ, cùng là đi bộ nhưng người cao tuổi có thể đi chậm, thong thả, trong khi người trẻ, khoẻ mạnh hơn, người mong muốn giảm cân có thể đi bộ nhanh, hoặc thậm chí kết hợp xen kẽ với việc chạy.
Tận dụng mọi cơ hội để đứng lên và bước đi
Dù bạn có thực hiện được 10.000 bước đi bộ mỗi ngày hay không, các chuyên gia vẫn luôn khuyên bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để đứng lên và bước đi. Chẳng hạn như đi bộ khi lên xuống cầu thang, không đi thang máy với các tầng thấp, với những quãng đường gần trong bán kính 1km thì nên đi bộ, đi bộ với gia đình sau bữa ăn tối…
Ngay cả đối với dân văn phòng là những người thường ngồi nhiều thì việc đứng lên trao đổi công việc thay vì email, chat; hoặc ngồi xa chỗ lấy nước để tạo cơ hội đưng lên khi muốn uống nước… cũng là những thói quen nên được thiết lập hằng ngày. Những thói quen sinh hoạt hằng ngày như thế sẽ giúp bạn duy trì sức khoẻ dẻo dai, hình thể săn chắc, mạnh khoẻ.
Đức Anh