Mới 18 tháng tuổi đã bị đứt lìa bàn tay do máy cắt đá

Trong lúc đang chơi trẻ vô tình đưa tay vào máy cắt đá tại xưởng của gia đình và bị cắt đứt lìa. Tai nạn thương tích thường ngay cạnh trẻ nên cha mẹ cần chú ý phòng tránh cho con.

Các bác sỹ khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phẫu thuật vi phẫu thành công nối bàn tay phải bị đứt rời cho bệnh nhi.

Tối ngày 29/9, Bệnh viện Trung ương Thái nguyên đã tiếp nhận bệnh nhi N.M.A gần 18 tháng tuổi ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Theo lời kể của gia đình, trong lúc đang chơi, bé N.M.A đã vô thức cho bàn tay phải vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cán đứt lìa. Bệnh nhi ngay sau khi được sơ cấp cứu đã nhanh chóng được đưa lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Ngay sau khi tiếp nhận, các khoa chức năng chuyên môn của Bệnh viện đã có sự phối hợp chặt chẽ, tiến hành hội chẩn và lập tức thực hiện phẫu thuật nối ghép bàn tay cho bệnh nhi.

Ca phẫu thuật nối bàn tay cho bé

Ca phẫu thuật nối bàn tay cho bé

BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho biết: Trường hợp bệnh nhi gần 18 tháng tuổi là ca bệnh hiếm, bị đứt lìa bàn tay, đã đứt toàn bộ gân, khối xương cổ tay và bó mạch thần kinh quay, trụ và thần kinh giữa và đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay nên mọi công đoạn phẫu thuật đều khó, trong đó khó nhất là phẫu thuật phục hồi mạch máu và thần kinh.

Do đó, để thực hiện được ca phẫu thuật, công tác gây mê phải được đảm bảo, các phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu và bàn tay.

Sau hơn 5h phẫu thuật tập trung, quyết tâm cứu sống bàn tay cho bệnh nhi, các bác sỹ khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phẫu thuật vi phẫu thành công nối bàn tay phải bị đứt rời cho bệnh nhi.

Sau mổ một ngày, bệnh nhi đã tỉnh, có thể uống sữa và giao tiếp được với người thân. Đây là một ca phẫu thuật rất phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao của các y, bác sĩ.

Bé 18 tháng tuổi đã bị đứt lìa bàn tay do máy cắt đá đã được nối thành côngBé 18 tháng tuổi đã bị đứt lìa bàn tay do máy cắt đá đã được nối thành công

BS CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, trẻ nhỏ có thể gặp nhiều nguy cơ tai nạn thương tích trong sinh hoạt hàng ngày như: bỏng, hóc dị vật, ngộ độc thực /hóa chất, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước,… nhẹ có thể chữa khỏi, nặng sẽ tàn tật suốt đời hoặc tử vong. Vì vậy, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ.

- Không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.

- Sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn. Thuốc diệt chuột có hình dáng bên ngoài khá giống với một số loại thạch và nước uống cho trẻ em, do vậy nếu gia đình có dự trữ thuốc diệt gián chuột cần nên được cất giữ cẩn thận.

- Các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để trong hộp riêng, có khóa

- Khi trẻ ăn uống, cha mẹ cần quan sát con. Hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ…Giám sát chặt chẽ khi con ăn các loại hạt lạc, hạt dưa, hạt bí,...; không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.

- Hướng dẫn trẻ tham gia giao thông an toàn

- Cần có người lớn giám sát chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ chơi dưới lòng đường… và các bề mặt trơn trượt

- Tránh để các đồ vật như thuỷ tinh, sắc nhọn,.. gần tầm tay của trẻ.

- Cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.

Để hạn chế tai nạn đáng tiếc đến với trẻ, gia đình cần có sự quan tâm, chăm sóc sát sao và tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ.

Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là băng bó vết thương, nếu trẻ gãy xương thì cố định xương gãy.

Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, chúng ta cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ từ những người xung quanh; Đánh giá đường thở, khai thông đường thở, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt.

Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Theo Đời sống
back to top