Mở mộ bác sĩ La Mã 2.000 tuổi, phát hiện bí mật bất ngờ
Tâm Anh (theo Livescience, Ancient-origins)
Các nhà khảo cổ ở Hungary đã khai quật một ngôi mộ của bác sĩ La Mã cách thủ đô Budapest khoảng 55 km về phía đông. Bên trong ngôi mộ khoảng 2.000 tuổi này có những dụng cụ y tế, bao gồm kẹp và dao mổ.
Trong cuộc khai quật gần thành phố Jászberény, thuộc vùng Jászsá, cách thủ đô Budapest của Hungary khoảng 55 km về phía đông, các nhà khảo cổ tìm thấy một ngôi mộ của bác sĩ La Mã cổ đại.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Eötvös Loránd (ELTE) ở Budapest, mộ cổ thuộc về một bác sĩ La Mã sống cách đây khoảng 2.000 năm.
Trải qua khoảng 2.000 năm, ngôi mộ của bác sĩ còn nguyên vẹn. Nhờ vậy, các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt của bác sĩ với hộp sọ và xương đùi hoàn chỉnh.
Vị bác sĩ này là một người đàn ông qua đời khi khoảng 50 - 60 tuổi. Các nhà nghiên cứu không phát hiện dấu vết bệnh tật hoặc bị thương trên hài cốt chủ nhân ngôi.
Vị bác sĩ này được chôn cất cùng một bộ dụng cụ y tế có niên đại vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Những dụng cụ y tế gồm: kìm, kim khâu, nhíp, dao mổ có phần lưỡi thay được, đá mài có thể dùng để trộn thuốc hoặc làm sắc lưỡi dao được đặt trong một rương gỗ.
Các chuyên gia cũng tìm thấy dấu vết còn sót lại của thuốc trong chiếc rương chứa các dụng cụ y tế của người bác sĩ La Mã trên.
Căn cứ vào tình trạng của các dụng cụ y tế, các chuyên gia nhận định chúng có chất lượng cao. Đây là bộ dụng cụ y tế đầy đủ thứ hai dưới thời La Mã cổ đại mà giới nghiên cứu từng phát hiện. Trước đó, giới nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy bộ dụng cụ y tế đầy đủ là ở Pompeii.
Các nhà nghiên cứu suy đoán, với bộ dụng cụ y tế có chất lượng cao, bác sĩ có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, hiện các chuyên gia chưa thể xác định vị bác sĩ này chữa bệnh cho một nhà cầm quyền có địa vị cao ở địa phương hay đi cùng quân đội La Mã tới Hungary.