Theo ghi nhận của Thanh Niên, đa số người về quê tự phát phản ánh cuộc sống họ rất khốn khó, buộc phải trở về vì không còn lựa chọn khả thi hơn. Dịch Covid-19 khiến giãn cách xã hội kéo dài, họ bị mất việc làm, sinh kế; trong khi đó cuộc sống ở nhà trọ chật hẹp, tốn kém, ảnh hưởng sức khỏe... Mặc dù chính quyền địa phương nơi họ bám trụ mưu sinh, lao động có chăm lo an sinh, nhưng họ vẫn không thể trang trải được cuộc sống.
Xả chốt chặn, hộ tống về quê
Sáng qua 2.10, hàng ngàn người dân, chủ yếu là ở miền Tây đang sinh sống tại H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã cùng nhau chạy xe máy về quê.
Hàng ngàn người dân từ Đồng Nai về quê ở miền Tây ngày 2.10 khi được “xả trạm” LÊ LÂM |
Khi đến khu vực giáp ranh giữa H.Vĩnh Cửu với TP.Biên Hòa, do gặp chốt kiểm soát dịch Covid-19 không cho qua, nên xảy ra tình trạng ùn tắc. Tại đây, đoàn người kéo dài hơn 1 km, đứng chen chúc nhau nhưng không xảy ra cảnh mất trật tự.
Chính quyền H.Vĩnh Cửu đã đến khu vực chốt chặn ra sức vận động, thuyết phục ở lại nhưng người dân không đồng ý, vẫn nhất quyết muốn về quê. Trước tình hình này, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã liên hệ với các địa phương có công dân muốn về quê để tìm hướng xử lý. Sau khi được chấp thuận từ các địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai đã cử lực lượng CSGT dẫn đường cho những người này về quê.
Cùng ngày, chốt chặn trên QL1 đoạn qua địa bàn TT.Tân Túc (H.Bình Chánh, TP.HCM) đã được lực lượng chức năng cho tháo dỡ, không còn cảnh người dân tập trung đông đúc, gây ùn ứ kẹt xe tại khu vực này như trước đó. Người dân về các tỉnh miền Tây khi qua đây còn được Công an TT.Tân Túc phát nước và bánh mì miễn phí.
Dừng chân nghỉ mệt bên đường khu vực giáp ranh TP.HCM và Long An, anh Nguyễn Văn Lượng (26 tuổi) cho biết anh đi từ Đồng Nai về quê Cà Mau. Trên đường đi, các chốt anh qua đều được tháo dỡ. “Mấy anh công an còn cho nước, cơm miễn phí nữa”, anh Lượng nói và vui mừng vì sắp về đến quê đoàn tụ gia đình.
Chiều 2.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết Long An sẽ tạo điều kiện cho công dân từ các tỉnh, thành đi qua địa bàn tỉnh này trên QL1 theo mục đích chính đáng của cá nhân, tổ chức, chứ không riêng gì công dân muốn về quê.
Kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung
Theo ghi nhận của Thanh Niên, các tỉnh miền Tây đã tiếp nhận hàng chục ngàn người về quê tự phát nên đã kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung để phòng dịch có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
“Hệ thống cách ly đang quá tải, số ca dương tính tăng nhanh, hệ thống y tế không đáp ứng nổi”, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nói và cho biết ngay trong sáng 2.10 tỉnh cho kích hoạt lại 5.000 chỗ cách ly tập trung và nâng tiếp lên 10.000 chỗ.
Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, cho biết đến ngày 2.10 toàn tỉnh có khoảng 2.200 người dân từ các vùng có dịch Covid-19 trở về. Dự kiến trong 2 ngày tới sẽ có thêm khoảng 2.000 người tự phát từ các tỉnh, thành về tỉnh này.
Theo ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, tỉnh huy động lực lượng đoàn thể tập trung lo hậu cần cho người về từ vùng dịch. Mỗi địa phương chuẩn bị từ 1.000 giường cách ly tập trung trở lên.
\n
Còn ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết chỉ trong 2 ngày (1 - 2.10) đã có trên 900 người ở các tỉnh, thành tự phát về Sóc Trăng. Tỉnh đã phải kích hoạt toàn bộ các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng để sẵn sàng hoạt động được ngay trong ngày 2.10.
Trong khi đó, theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, đến sáng 2.10 tỉnh đã tiếp nhận và đưa đi cách ly tập trung hơn 750 công dân từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về tự phát bằng xe máy. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết chỉ trong 2 ngày (1 - 2.10) có hơn 2.200 người về quê tự phát.
Còn tại An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin lực lượng chức năng An Giang đang nỗ lực cách ly và phòng chống dịch đối với gần 3.400 người dân từ TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An... tự phát về địa phương.
Tính đến ngày 2.10, tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận hơn 2.000 công dân từ TP.HCM trở về địa phương, và số lượng công dân trở về đang tăng.
Trả lời Thanh Niên, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nói: “Hiện nay chủ trương của Chính phủ và của Bình Dương là không để người dân tự phát đi về, mà phải đưa về bằng phương tiện tập trung, công cộng để dễ cho công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, người dân lại muốn tự đi xe máy về quê, không muốn đăng ký đi xe khách chuyên chở tập trung nên đã xảy ra tình trạng tập trung đông người”.
“Cân nhắc kỹ trước khi về”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu (Đồng Nai), nói: “Những tháng vừa qua, chính quyền đều chăm lo công tác an sinh xã hội, không để người dân bị đói. Tuy nhiên, với việc suốt ngày ở phòng trọ vì phải thực hiện giãn cách, rồi không làm ra tiền, trong khi đó tiền điện, nước, phòng trọ vẫn phải đóng, rồi thì tiền sữa cho con... Cuộc sống thời gian này không đầy đủ, thoải mái như trước nên tâm lý bức bí, họ chọn giải pháp về quê để đỡ ngột ngạt hơn”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa, hiện nay hơn 98% người dân sống trên địa bàn tỉnh Long An đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, số còn lại do chống chỉ định nên không tiêm được. Khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là nơi trọng điểm về dịch Covid-19 nên lượng vắc xin luôn được T.Ư phân bổ dồi dào và các địa phương này cũng đang nỗ lực rất lớn để tái thiết lại cuộc sống bình thường mới, phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ nên rất cần nguồn lao động.
“Do đó, tôi nghĩ người lao động cân nhắc kỹ trước khi về, không nên về quê ngay lúc này, vì sẽ mất các cơ hội việc làm tốt, đặc biệt là vấn đề vắc xin Covid-19 khi đến thời hạn tiêm mũi 2. Các địa phương đều có kế hoạch tiêm hết rồi nên những người phát sinh sẽ không dễ dàng tiếp cận vắc xin”, ông Hòa phân tích.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin thêm: “Người dân về quê thời điểm này cũng không có công ăn việc làm và dịch bệnh ở tỉnh giờ cũng đang hết sức phức tạp, nhưng không có đủ vắc xin để tiêm ngừa phòng dịch. Hiện chưa đến 20% dân số của tỉnh mới tiêm vắc xin mũi 1”.
Không bùng dịch ra cộng đồng khi chủ động đón về an toàn
Từ cuối tháng 7 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Tập đoàn Phương Trang đã tổ chức đón gần 18.000 người Phú Yên ở TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu về quê miễn phí, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Phú Yên đã làm việc đó một cách kiên trì, bền bỉ, xây dựng kế hoạch cụ thể, theo dõi sát sao và có sự điều chỉnh phù hợp khi phát sinh vướng mắc. Tỉnh đã làm việc thống nhất với UBND TP.HCM và các tỉnh phía nam các nội dung trong kế hoạch tổ chức đón công dân về lại địa phương. Theo đó, thực tế không bùng dịch ra cộng đồng khi chủ động đón về an toàn”.
Ngày 2.10, tỉnh Bình Thuận phối hợp Công ty CP xe khách Phương Trang đã vào Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đón 500 công dân Bình Thuận về quê miễn phí. Đây là đợt thứ 6 Bình Thuận đón về, với tổng số người được đón về là 2.100 người, tất cả đều đảm bảo an toàn.
Đức Huy - Quế Hà