Miền Tây, lạ lạ, xưa xưa...

Cuối năm vừa rồi, tôi có chuyến về Cà Mau thăm thú những nơi mà thời làm báo đã đi qua. Cùng đồng hành có ông bạn đồng nghiệp dân Hà Nội gốc.
Miền Tây, lạ lạ, xưa xưa...

 Tôi vừa về tới Sài Gòn, anh Trần Lỡ gọi điện bảo có gì lạ lạ, xưa xưa ở miệt cây đước, cây tràm mà tôi vừa mới đi, viết cho Doanh Nhân Sài Gòn số Tết Kỷ hợi. Thú thật, tôi không biết cái gì lạ lạ, xưa xưa như anh ấy gợi ý. Bây giờ đi nơi nào cũng thấy "tân tiến", mà người già như tôi không khỏi chạnh lòng...

 Trong chuyến đi, tôi được mời dự một đám giỗ, ở quê tôi gọi là cúng cơm. Ngày trước, đám giỗ, bà con xa gần xách con gà, con vịt, ký cá, ký tôm, người mang trái bí, trái bầu, bó rau đến, đơn giản vậy nhưng rất tình cảm. Còn người được mời thì xách chai rượu đế nút bằng lá chuối khô, rót ra cúng người đã khuất, ấm cúng biết bao!

 Còn bây giờ, người ta đặt món ăn làm sẵn ở nhà hàng, người được mời đi dự thì bỏ túi cái phong bì năm bảy chục, một trăm ngoài. Tiện thì có tiện, nhưng thấy cứ sao sao, không nặng tình nặng nghĩa như hồi trước.

 Chắc là anh Trần Lỡ biết, mươi mười mấy năm trước, đường bộ ở Cà Mau không thắng nổi đường thủy. Vậy mà bây giờ từ thành phố Cà Mau, đi đến các huyện lỵ, kể cả nhiều thôn xã trong tỉnh, xuống tận Đất Mũi bằng xe hơi cứ thông thống dễ dàng. Nhưng chuyến đi vừa rồi, do một số việc cần, chúng tôi đi bằng vỏ lãi. Hiện nay đó là một phương tiện hiếm hoi, rất thú vị.

 Anh bạn người Hà Nội lo lắng khi ngồi trong chiếc xuồng máy thon dài như con sán lãi, phóng bay bay trên mặt sông sâu, nước chảy mạnh. Tôi phải giải thích để anh yên tâm. Ngày xưa luật đường thủy ở đây đã có, nghĩa là hai thuyền nếu lỡ đụng nhau, thuyền nào chở nhẹ hơn, thuận dòng nước, chạy quá mau thì chịu phạt. Nhưng khi kiện cáo, khó phân ai phải, ai trái. Do đó, có một loại luật không thành văn nữa: Khi thuyền sắp gặp nhau, phải hô "bát", như vậy thuyền nào cũng phải chạy cặp bờ bên phải (do nói trại, hầu hết đều hô "oác"), còn như muốn rẽ trái để cập bến, hay lỡ mắc cạn, thì hô "cạy".

    Kham-pha-rung-ngap-man-8807-1547703152.j

 Rồi cũng chuyện sông nước, anh người Hà Nội lại thắc mắc. Thế nào là con nước lớn, con nước ròng? Ở xứ này, sự chuyển động của dòng nước, cũng có lắm tên gọi. Nào là nước ròng, nước kém, nước trôi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước đứng, nước nằm, nước chửng, nước ương, nước sình, nước chết, nước sát, nước rạt. Ở vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Tháp Mười, nước lên gọi là nước nổi, nước dâng, hoặc nước về. Đến mồng 5 tháng 5 âm lịch thì "nước quay". Tháng 7 thì nước "nhảy lên bờ", nghĩa là thời kỳ ngập lụt.

 Kể để anh Trần Lỡ nghe chơi, trong suốt chuyến đi, anh bạn người Hà Nội cứ hỏi tới hỏi lui cá đường là loại cá gì, sao gọi là "xác cá đường". Con cá đó ở vùng biển xứ mình nói không biết thì cũng kỳ, còn nói sai thì đáng trách hơn. Tôi cố nhớ để kể cho bạn mình nghe một vài điều về con cá nước mặn này, nhưng lại tên là "đường". Chắc có nhiều chi tiết không chính xác, nhưng tạm hình dung vậy.

 Hằng năm, cứ theo chu kỳ, vào khoảng tháng ba, tháng tư và từ tháng sáu đến tháng tám âm lịch, cá đường hội tụ vùng biển chót mũi Cà Mau nhiều vô kể. Những ngày cá đường hội tụ cũng chính là lúc con ruốc (một loại tép biển) từ biển vào cặp mé bờ, nhiều đến nổi đặc nước.

 Cá đường về hội, bơi chậm, di chuyển vòng tròn, rồi nhích dần vào bãi cạn, kết bè dày, thỉnh thoảng lại nổi lên mặt nước theo mồi làm nổi sóng cả một vùng rộng. Chúng vừa bơi vừa phát kêu "cục, cục, cục...", trên dưới một cây số cũng nghe rõ. Đến gần, âm thanh cá đường phát ra át cả tiếng người.

 Khi phát hiện được điểm cá đường, ngư dân ven biển báo động cho nhau, gióng trống hoặc tuýt còi. Nếu là đêm thì đốt lửa ven bờ, sát nơi cá đường hội.

 Lưới đủ loại, ngư dân cứ thả đại vào bầy cá, rồi nhảy xuống nước, bơi theo cá, ôm cá vào ngực, xẻ bụng, giật lấy bong bóng, xác cá xô đi trong nước. Cá bị lấy bong bóng không biết cơ man nào. Vài ngày sau, người ta mới thấy xác cá trôi dạt thành từng đống trên bãi biển Khai Long.

 Bong bóng cá đường là một đặc sản rất quý, hầu như chỉ có ở vùng biển Cà Mau mới nhiều.

    Ca-loi-thoi-con-vat-ky-la-nhat-7052-7464

 Đó là ngày trước. Mười mấy năm trở lại đây cá đường nơi đây không còn nhiều nữa, nếu không nói là mất luôn.
 Người ta tính rằng, một con cá đường nặng 12kg thì bong bóng khoảng 0,250kg. Bong bóng cá đường có màu trắng đục, thon dài, đầu nhọn, mổ ra, đưa ngay vào nước muối 20 độ, sau đó lột bỏ màng mỡ, rửa sạch, phơi ráo, rồi ép lại đem phơi khô vài nắng, thấy trong trong là dùng được. Đây là một sản vật quý dùng để chế biến món ăn cao cấp mà giới người Hoa rất ưa chuộng.

 Có chuyện này kể anh Trần Lỡ nghe để nhớ Đồng Tháp Mười. Rằng trong chuyến đi, trên đường về TP.HCM, tôi ghé Cao Lãnh có chút việc. Như cách nay vài ba mươi năm trước, tôi chạy tìm mua gạo lúa trời về tặng bạn bè ăn Tết. Nhưng đi hàng gạo nào, người ta cũng nhìn tôi cười như người trên trời rơi xuống. Giống gạo trời sinh ấy đã gần như hết tiệt từ lâu rồi. Anh nghĩ coi có buồn không!

 Anh là người đi nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, chắc anh còn nhớ, lúa trời ý nói là trời cho, không ai gieo mà có, còn gọi là lúa ma vì tự nhiên xuất hiện trên những khoảng đồng không mông quạnh. Lúa trời có sức sống rất mãnh liệt. Hột lúa rụng xuống không thúi, mùa sau lại mọc. Nước lên cao bao nhiêu nó vươn theo bấy nhiêu. Lúa chưa trổ bông, người ta dễ lầm nó là một loại cỏ.

 Lá lúa trời xanh đậm, nhám và bén, nhỏ và cứng. Bông lúa ngắn. Hạt bé và dài. Đầu hột có đuôi dài, khá giòn. Khi lúa chín, cuống hột rất bở, chỉ cần chạm nhẹ là rụng. Người ta dùng xuồng để đập lúa trời chứ không dùng hái gặt. Thường thì căng chiếc mền hay chiếc chiếu rồi cầm nhánh tre áp ngọn lúa vào xuồng cho hột rụng xuống. Cơm gạo lúa trời dẻo và thơm lắm, không có gạo nào sánh bằng.

 Kể vắn tắt anh nghe chơi về cây lúa trời để anh đỡ nhớ, đỡ thèm nồi cơm của giống lúa "không trồng mà mọc" này.
 Mùa gió chướng sắp về. Tết Kỷ hợi đang đến. Tôi cũng sắp sửa bước sang tuổi 80, viết lách không còn tươi tắn, ngọt ngào như năm nào. Anh chịu khó đọc...

Theo doanhnhansaigon.vn
back to top