MG RX5 2023 có gì “đấu” Mazda CX-5 lắp ráp tại Việt Nam?

Việc định giá SUV MG RX5 2023 bản cao cấp ngang ngửa Mazda CX-5 bán chạy nhất phân khúc SUV cỡ C ở Việt Nam cho thấy, MG đang tự làm khó mình?

MG chính thức giới thiệu mẫu xe RX5 mới ở thị trường Việt Nam, gồm 2 phiên bản 1.5T STD và 1.5T LUX với giá 739 triệu và 829 triệu đồng.

MG RX5 bản 1.5T LUX bằng giá Mazda CX-5 2.0L Premium. Điều này khiến không ít người đặt 2 mẫu xe lên bàn cân. Khoa học và Đời sống làm phép so sánh nhanh MG RX5 1.5T LUX và Mazda CX-5 2.0L Premium về mặt trang bị. Qua đó, các người tiêu dùng có thể dễ dàng quyết định hơn khi chọn mua xe.

Ngoại thất MG RX5 1.5T LUX và Mazda CX-5 2.0L Premium

Về kích thước của 2 mẫu xe, MG RX5 1.5T LUX sở hữu kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.574 x 1.876 x 1.690 mm và chiều dài cơ sở 2.708 mm. Trong khi đó, Mazda CX-5 2.0L Premium có kích thước tương ứng là 4.590 x 1.845 x 1.680 mm và chiều dài cơ sở 2.700 mm. Như vậy, sự chênh lệch về mặt kích thước của 2 mẫu xe không đáng kể.

Tuy nhiên, Mazda CX-5 2.0L Premium có bán kính vòng quay tối thiểu thấp hơn, chỉ 5,5 m, nên sẽ vận hành linh hoạt hơn trong khu vực nội đô. Ngay cả khoảng sáng gầm của mẫu xe Nhật Bản cũng nhỉnh hơn 4mm, đạt 200 mm.

Tiếp theo, trang bị ngoại thất tương đồng. Cả hai đều được trang bị đèn pha LED, đèn LED định vị ban ngày, đèn hậu LED, gương chiếu hậu chỉnh điện/gập điện/sấy gương/tích hợp đèn báo rẽ, cửa sổ trời, vành hợp kim 19 inch và cửa cốp chỉnh điện rảnh tay.

Với Mazda CX-5 2.0L Premium, xe có thêm đèn pha với tính năng tự động cân bằng góc chiếu, mở rộng góc chiếu (AFS) và tự động chiếu xa/chiếu gần (HBC) cũng như cần gạt mưa tự động. Như vậy, nếu xét về trang bị ngoại thất, Mazda CX-5 2.0L Premium nhỉnh hơn so với đối thủ Trung Quốc. Chưa kể, việc mẫu xe Nhật Bản này có lợi thế lớn là thiết kế ngoại thất hợp gu của nhiều người Việt.

Trang bị nội thất

Bên trong cả 2 mẫu SUV cỡ C này đều là không gian nội thất 2 hàng ghế với 5 chỗ ngồi. Tương tự ngoại thất, nội thất của MG RX5 1.5T LUX và Mazda CX-5 2.0L Premium trang bị giống nhau như ghế/vô lăng bọc da, ghế trước chỉnh điện, gương chiếu hậu chống chói tự động, điều hòa tự động 2 vùng, cửa gió cho hàng ghế sau, chìa khóa thông minh và khởi động nút bấm.

So với đối thủ Nhật Bản, MG RX5 1.5T LUX trang bị hào nhoáng hơn như bảng đồng hồ kỹ thuật số 12,3 inch, màn hình cảm ứng trung tâm 14,1 inch nằm dọc, lẫy chuyển số sau vô lăng và sạc điện thoại không dây. Trong khi đó, Mazda CX-5 2.0L Premium chỉ dùng bảng đồng hồ analog với màn hình đa thông tin 7 inch và màn hình cảm ứng trung tâm 8 inch.

Mazda CX-5 2.0L Premium có những trang bị mà MG RX5 1.5T LUX còn thiếu như ghế lái nhớ vị trí, sưởi vô lăng, làm mát ghế trước, kính cửa sổ chỉnh điện cho tất cả các vị trí, màn hình hiển thị thông tin kính lái HUD và hệ thống âm thanh Bose 10 loa.

Với những ai thích nội thất có màn hình cỡ lớn, tạo cảm giác công nghệ cao hơn có thể chọn MG RX5 1.5T LUX. Tuy nhiên, nếu đánh giá chung về các trang bị tiện nghi thì Mazda CX-5 2.0L Premium vẫn ghi điểm hơn.

Trang bị an toàn

Xét về trang bị ngoại thất và nội thất, MG RX5 1.5T LUX không thua kém quá nhiều so với Mazda CX-5 2.0L Premium. Tuy nhiên, nếu xét về trang bị an toàn, mẫu xe Trung Quốc có bất lợi lớn.

Dù giá hơn 800 triệu đồng nhưng MG RX5 1.5T LUX không hề có những tính năng an toàn chủ động ADAS. Thay vào đó, tân binh nhà MG chỉ có 6 túi khí, camera 360 độ, hệ thống kiểm soát hành trình, cảm biến đỗ xe trước/sau, cảm biến áp suất lốp, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, kiểm soát phanh khi vào cua, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA, cân bằng điện tử, hỗ trợ chống lật, hỗ trợ khởi hành ngang dốc và hỗ trợ xuống dốc.

Phần lớn tính năng an toàn của MG RX5 1.5T LUX đều được trang bị cho Mazda CX-5 2.0L Premium. Bên cạnh đó, mẫu xe Nhật Bản này còn có hệ thống cảnh báo điểm mù, hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường, hỗ trợ phanh chủ động, hỗ trợ phanh thông minh trong thành phố trước/sau, cảnh báo người lái tập trung và hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng. Những trang bị này sẽ mang đến cảm giác an tâm và "đáng đồng tiền, bát gạo" hơn cho người mua Mazda CX-5 2.0L Premium.

Động cơ và sức mạnh

Nằm bên dưới nắp ca-pô của MG RX5 1.5T LUX là động cơ xăng 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 1.5L, sản sinh công suất tối đa 168 mã lực tại tua máy 2.000 - 4.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 275 Nm tại tua máy 2.000 - 4.000 vòng/phút. Động cơ này đi với hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp ướt và hệ dẫn động cầu trước.

So với MG RX5 1.5T LUX, động cơ của Mazda CX-5 2.0L Premium có sức mạnh thấp hơn. Cụ thể, Mazda CX-5 2.0L Premium dùng động cơ xăng Skyactiv-G 4 xi-lanh, dung tích 2.0L với công suất tối đa 154 mã lực tại tua máy 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 200 Nm tại tua máy 4.000 vòng/phút. Động cơ kết hợp cùng hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động cầu trước.

Nói cách khác, MG RX5 1.5T LUX có lợi thế hơn về mặt sức mạnh động cơ. Động cơ của Mazda CX-5 2.0L Premium tuy yếu hơn nhưng lại có "mác" Nhật nên sẽ không ngạc nhiên nếu vẫn được nhiều người lựa chọn.

Với việc định giá RX5 bản cao cấp ngang ngửa Mazda CX-5 - mẫu xe bán chạy nhất phân khúc SUV cỡ C ở Việt Nam, MG rõ ràng đang tự làm khó mình. Đối mặt với mẫu xe có những thế mạnh về thiết kế, trang bị, thương hiệu, hệ thống đại lý và tính thanh khoản cao như Mazda CX-5, MG RX5 khó có thể được nhiều người tiêu dùng Việt đón nhận.

Theo Đời sống
back to top