Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành phẫu thuật cho một sản phụ có khối u mạch bánh nhau.
Sản phụ đến khám khi thai được 36 tuần, thai lần đầu. Khi tiến hành siêu âm, các bác sĩ phát hiện khối nang bánh nhau ngay vị trí bám của dây rốn. Tiên lượng sản phụ sẽ phải sinh bằng phương pháp sinh mổ bởi nếu sinh thường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Khi có cơn co tử cung, cuống rốn căng lên nguy cơ đứt là rất lớn. Lúc đó tính mạng của thai nhi bị đe dọa, chưa kể đến nguy cơ chảy máu…
Nhanh chóng sản phụ được tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2.800 gram. Khối u sau phẫu thuật được gửi làm xét nghiệm mô bệnh học và cho kết quả u mạch bánh nhau lành tính.
Thăm khám cho sản phụ bị u máu bánh nhau |
BSCKI Vũ Thị Hạnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, u máu bánh nhau là khối u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau hay gặp nhất, với tỷ lệ khoảng 1%.
Hầu hết, các u máu là các tổn thương kích thước nhỏ và không có triệu chứng, chúng chỉ được tìm thấy sau sinh khi cắt lát bánh nhau. Ngược lại, các khối u lớn thường đi kèm với kết cục chu sinh bất lợi, bao gồm thai chậm tăng trưởng trong tử cung, đa ối, thiếu máu, suy tim, phù thai, sinh non, thai chết lưu…và bất thường phát triển thần kinh.
Một tổng quan hệ thống 28 nghiên cứu (161 thai kỳ) cho thấy, trong các thai kỳ có u máu bánh nhau không có can thiệp, tỷ lệ thai chết trong tử cung là 8.2%, trong khi tỷ lệ tử vong sơ sinh và chu sinh xảy ra ở 3.8% và 11.1%, tương ứng. Thai nhỏ chiếm 24% các trường hợp. Sinh non trước 37 tuần chiếm 34.1% các thai kỳ. Tỷ lệ bệnh tật xảy ra ở 12% các trường hợp.
Mặc dù nguyên nhân chính xác u máu bánh nhau chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, nhưng chúng được cho là kết quả sự phát triển bất thường của các mạch máu trong các giai đoạn khác nhau của sự biệt hóa trong chất xơ nền xuất phát từ mô nhau.
Do vậy trong quá trình mang thai, các sản phụ cần tiến hành thăm khám, theo dõi thai kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát cũng như sớm phát hiện những bất thường trong thai kỳ để có hướng xử trí kịp thời.
Chẩn đoán trước sinh của u máu bánh nhau dựa vào việc quan sát một khối tăng âm, tròn, bờ rõ, đồng nhất hoặc không, nằm về phía bề mặt của bánh nhau. Sử dụng siêu âm Doppler màu cho phép quan sát các mạch máu nuôi đi vào bánh nhau và tạo mạch dạng lan tỏa xung quanh khối u.
Trong hầu hết các trường hợp nặng, các dấu hiệu của suy tim tăng cung lượng, bao gồm tim lớn, đa ối, tăng vận tốc đỉnh động mạch não giữa và thai đa ối có thể đi kèm cùng với khối u.
Kích thước của khối u, sự hiện diện của thai đa ối và tuổi thai khi xuất hiện suy tim đã được báo cáo là các yếu tố chính quyết định kết cục chu sinh ở các thai kỳ có biến chứng bởi u máu bánh nhau.
Siêu âm u máu bánh nhau giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở bánh nhau để có hướng xử trí kịp thời.