CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu hoạt động chỉ đạt 401 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu môi giới chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại giảm 22% so với cùng kỳ về mức 136.3 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng giảm 28% xuống gần 140 tỷ đồng.
Lãi từ tài sản tài chính FVTPL cũng giảm 12% về mức 71 tỷ đồng, các nguồn thu khác cũng giảm như hoạt động tư vấn, thu nhập khác dù không chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ riêng lãi từ khoản đầu tư HTM tăng 33% lên gần 46 tỷ đồng.
Các loại chi phí quý 2 của MBS cũng giảm đáng kể. Trong đó, chi phí hoạt động giảm 40% xuống còn 119 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí môi giới và lỗ tài sản FVTPL giảm mạnh. Ngoài ra, chi phí tài chính cũng giảm gần 20% còn hơn 80 tỷ đồng.
Sau cùng, MBS ghi nhận lãi sau thuế hơn 123 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng nhẹ 3% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, con số này tăng lên 244,8 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 24% so cùng kỳ.
|
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản ở mức 10.760 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm.
Trong đó, các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) giảm mạnh 63% về còn 966,6 tỷ đồng. Ngược lại các khoản cho vay lại tăng vọt 42% lên 5.326 tỷ đồng.
Nguồn vốn của MBS được hình thành phần lớn từ vay nợ tài chính ngắn hạn. Số dư vay nợ tài chính ngắn hạn của MBS ở cuối quý 2 hơn 5.663 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm, chiếm gần nửa tổng nguồn vốn ở thời điểm này. Điều này cho thấy, MBS đã gia tăng vay nợ để có thêm nguồn tiền cho hoạt động cho vay (chủ yếu là cho vay margin).
Danh mục FVTPL của MBS cuối quý 2 chỉ hơn 6,2 tỷ đồng, chiếm vỏn vẹn 0,6% tỷ trọng danh mục.
Các loại tài sản tài chính của MBS |
Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục FVTPL của MBS với giá trị hơn 690 tỷ đồng, tương đương hơn 70% giá trị danh mục. Lượng chứng chỉ tiền gửi giảm đáng kể so với đầu năm, giảm 75% từ mức 2.611 tỷ đồng, nhưng tăng 70% so với cuối quý 1.
Hiện MBS cũng nắm 267 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp niêm yết ở dạng tài sản FVTPL.