Côn trùng làm ổ trong laptop
Chiếc máy tính đang sử dụng bỗng nhiên bàn phím bị kẹt không dùng được, anh Nguyễn Anh Hòa (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đem máy tính ra cửa hàng để sửa chữa. Khi tháo rời chiếc máy tính ra thì bên trong có hàng ổ kiến làm tổ, làm kẹt cứng cả bàn phím. Nguyên nhân là do anh Hòa thường xuyên vừa dùng máy tính vừa ăn. Đồ ăn rơi vào bàn phím, kiến tìm đến và làm tổ trong đó. Chưa kể bụi bẩn bám dính đầy khắp các khe ngách. Chiếc máy tính vừa mới mua hơn 4 tháng trị giá hơn 50 triệu đồng của anh giờ trông thảm hại như chiếc máy cũ lâu năm không được bảo dưỡng.
KS Nguyễn Đức Huy, Tập đoàn FPT cho biết, không ít người từng gặp phải tình huống oái oăm này, khi các loài côn trùng nghiễm nhiên làm tổ trong các thiết bị điện tử. Phổ biến nhất là tình trạng kiến chui vào và làm tổ trong máy tính xách tay. Thậm chí nhiều người không hề để đồ ăn gần nơi làm việc hay đánh rơi vào laptop, nhưng vẫn bị kiến làm tổ bên trong. Nguyên nhân là do loài kiến đỏ thường làm tổ trong các thiết bị điện tử vì ưa nhiệt độ cao và các loại dây điện.
Một mối lo khác tới từ những xác kiến tồn đọng trong máy. Loài kiến này dễ bị kích động bởi dòng điện trong các thiết bị công nghệ, khi bị điện giật, hormon được tiết ra và đặt chúng vào trạng thái cảnh báo. Khi đó, các con kiến sẽ "phát điên" và đánh nhau tạo ra xác kiến. Rồi đất cát và rác mà kiến tha về sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thống tản nhiệt của máy, hệ thống này quyết định tới sự sống còn của chip xử lý. Các bộ phận như chip, main hay thậm chí là ổ cứng sẽ dễ bị tàn phá nặng nề nhất. Chưa kể tới vấn đề vệ sinh, nguy cơ đáng lo ngại nhất là ổ cứng của người dùng sẽ bị chết, việc phục hồi dữ liệu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vệ sinh máy tính thường xuyên
Để phòng tránh kiến đỏ làm tổ trong các thiết bị điện tử như máy tính thì phải phòng tránh kiến đỏ vào nhà. Theo chia sẻ của TS Bùi Quang Phiến, Hội Côn trùng học Việt Nam, rất nhiều loại côn trùng ghét axit từ quả chanh, quả quýt. Vì thế, người dùng có thể cắt nhỏ vỏ chanh, bỏ ngay bậu cửa hay bất cứ lỗ hổng nào để ngăn chặn côn trùng xâm nhập. Mùi hương của vỏ cam cũng có tác dụng xua đuổi ve và bọ chét. Ngoài ra, có thể đặt trong nhà một bồn hoa dạ lan hay bạc hà, vừa có tác dụng làm đẹp cho căn phòng, vừa giúp xua đuổi muỗi và làm cho côn trùng khác như kiến, ong, gián… tránh xa. Nếu trong nhà có kiến thì phải đuổi hết chúng bằng các cách đơn giản như sử dụng tinh dầu chanh sả, tràm hay giấm ăn… bôi vào đường đi của kiến.
Việc vệ sinh máy tính quyết định rất lớn đến tuổi thọ của máy. Theo KS Công nghệ Thông tin Nguyễn Anh Đức, máy tính cần được vệ sinh bảo dưỡng định kỳ bằng các thiết bị như chổi, dung dịch làm sạch chuyên dụng. Tốt nhất là vệ sinh hàng tuần, quét sạch bụi bẩn ở các khe kẽ của bàn phím, lau sạch các vết bẩn bám trên cả màn hình và bàn phím. Nếu chẳng may có thức ăn hay dị vật rơi vào các kẽ của bàn phím phải nhẹ nhàng lấy ra. Trường hợp không lấy được thì không nên cố cạy bàn phím ra mà phải đem ra cửa hàng dùng đồ chuyên dụng để xử lý.
“Trường hợp phát hiện có kiến trong bàn phím thì có thể đuổi chúng đi dễ dàng bằng cách quét sạch, xịt dung dịch vệ sinh bàn phím vào và lau khô. Tuyệt đối không để bụi bẩn bám lâu ngày, vừa mất vệ sinh, thẩm mỹ, vừa làm hỏng linh kiện do không được tản nhiệt tốt, dễ dẫn đến hỏng máy”, KS Nguyễn Anh Đức cho biết.
“Kiến có thể chui vào các kẽ hở nhỏ sâu trong laptop và cắn phá các bộ phận hoặc mạch điện trong đó, vì vậy bạn nhất định đừng để chúng tự do chui vào máy tính của mình”, KS Nguyễn Anh Đức