Máy phát hiện nói dối – ảnh minh họa.
Theo lý thuyết, nếu người trả lời nói dối thì kết quả đo sẽ có những sự thay đổi đặc biệt do hệ thống thần kinh giao cảm tạo ra. Một cuộc kiểm tra được tiến hành với máy nói dối còn gọi là bài kiểm tra PDD (psycho physiological detection of deception: phát hiện sự dối trá về mặt tâm sinh lý học).
Dây điện từ máy được nối áp vào hệ tim mạch (đầu, ngực, chân, tay) của người bị kiểm tra và một hệ thống câu hỏi gồm nhiều bước khác nhau, được hỏi với chiến thuật lúc chậm, lúc nhanh, buộc người bị kiểm tra phải trả lời theo phản ứng và phản xạ tự nhiên. Trên cơ sở phân tích các số liệu máy ghi được, các chuyên gia tâm lí có thể phán đoán tinh thần, thái độ của người bị kiểm tra, xác định lời khai là giả hay thật.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vẫn có một số phương pháp đánh lừa chiếc máy này. Ví dụ như việc nghỉ ngơi thư giãn, tâm trạng thoải mái và luôn ý thức sẵn sàng, chuẩn bị tinh thần đối phó với các câu hỏi. Thậm chí thu thập các câu hỏi mà kiểm tra viên thường đặt ra và thực tập trước khi phỏng vấn thật sự. Khi trả lời câu hỏi, cố gắng điều hòa nhịp thở hoặc tìm cách tăng nhịp tim cho phù hợp với câu hỏi.
Để khắc phục những biện pháp đối phó này, máy phát hiện nói dối ngày càng được cải tiến hiện đại và “kín đáo” hơn, không còn hệ thống dây nối chằng chịt gắn trên cơ thể người bị kiểm tra để đo các xung mạch thần kinh, nhịp tim,… Các nhà khoa học đã phát triển một chiếc máy phát hiện nói dối mà đối tượng không hề hay biết họ đang bị kiểm tra. Thiết bị này được gọi là RPA (Remote Personnel Assessment: thiết bị thẩm định từ xa) sử dụng micro và xung điện laze để đo các thông số vật lý ở giọng nói và cơ thể người.
An Lê (theo How it’s made)