Về cơ chế hoạt động, máy có hai cảm biến hồng ngoại để đo dữ liệu đầu vào. Các chỉ số không khí được chuyển về mạch chính arduino để phân tích và hiển thị kết quả lên màn hình LCD. Sau đó, kết quả được máy tự động gửi lên website, hiển thị thành dạng biểu đồ để người dùng theo dõi. Công đoạn khó nhất để làm ra sản phẩm là lập trình. Nhóm không sử dụng dạng mã hóa kéo-thả đơn giản mà thực hiện mã hóa nâng cao.
Thành viên Tuấn Khôi kể, để hoàn thành thiết bị, nhóm viết khoảng 800 dòng mã hóa. Nhóm thiết lập cả 5 chỉ số không khí trong một máy. Thời gian tới, nhóm dự định hoàn thiện sản phẩm bằng cách kết nối với thiết bị lọc không khí. Nếu chỉ số không khí hoặc nồng độ bụi mịn ở mức độc hại, thiết bị sẽ phát cảnh báo và máy lọc không khí sẽ tự chạy. Cùng với đó, thay vì chạy bằng dòng điện được kết nối qua cổng USB như hiện tại, nhóm muốn thiết bị có thể sạc pin và chạy mà không cần cắm điện. Sau khi hoàn thiện, nhóm dự định bán sản phẩm với giá 2,2 triệu đồng.