Anh Tôn Thất Trường Nam, kỹ thuật viên bộ môn vật lý - chủ nhiệm đề tài - cho biết, qua một thời gian theo dõi, anh phát hiện một số sinh viên sử dụng những thiết bị công nghệ cao, thiết kế nhỏ gọn như chiếc máy nghe nhạc, thẻ ATM… và đều sử dụng tai nghe kích thức siêu nhỏ, tai nghe nam châm chỉ bằng nửa hạt gạo gắn sâu bên trong tai hoặc luồn sâu trong tay áo nên rất khó phát hiện bằng mắt thường.
Các thiết bị này dùng sóng vô tuyến truyền thông tin, hình ảnh của đề thi ra bên ngoài phòng thi cho người hỗ trợ giải rồi truyền vào phòng thi cho thí sinh làm bài. Từ khi bắt đầu nghiên cứu, máy chống gian lận thi cử đã được cải tiến qua 7 phiên bản nhằm tạo ra phiên bản mới, phù hợp. Hiện tại, thiết bị này có cấu trúc như chiếc laptop, nặng 400g được sử dụng bằng pin tiện dụng.
Máy có thể phát hiện tín hiệu phát ra từ các thiết bị công nghệ cao với khoảng cách 8m. Giám thị xách máy đi dọc hành lang phòng thi hoặc giữa các dãy bàn đều có thể phát hiện thiết bị gian lận. Máy chống gian lận thi cử đã được Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam và trường Đại học Thủy lợi sử dụng.