Theo Guardian, mới đây các nhà khoa học tại Anh đã thử nghiệm thành công phương pháp truyền hồng cầu nuôi cấy từ phòng thí nghiệm cho người. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về phương pháp này.
Các nhà khoa học sử dụng hồng cầu được nuôi từ tế bào gốc của người hiến, với mục tiêu cách mạng hóa các liệu pháp điều trị ở bệnh nhân mắc chứng thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm và bệnh tan máu bẩm sinh. Những người đã được truyền hồng cầu là hai tình nguyện viên khỏe mạnh.
Các nhà khoa học cho biết họ cần tới 24 lít dung dịch dinh dưỡng để nuôi cấy 1-2 thìa cà phê hồng cầu. Các tế bào gốc được đặt trong một dung dịch dinh dưỡng trong 18-21 ngày, giúp chúng có thể nhân lên và phát triển thành tế bào hoàn chỉnh.
Các hồng cầu “nhân tạo” được đánh dấu sinh học, giúp chúng có thể được theo dõi trong 6 tháng sau khi được truyền vào cơ thể người nhận. Cả hai người này đều không gặp phản ứng phụ.
Anh: Lần đầu tiên truyền máu nuôi trong phòng thí nghiệm cho người |
Giáo sư Ashley Toye (Đại học Bristol, Anh) và cũng là nhà điều tra chịu trách nhiệm thực hiện cuộc thử nghiệm phối hợp với Trung tâm Máu và Cấy ghép NHS (NHS là tên viết tắt của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh) nói: Cuộc thử nghiệm đầy thách thức và thú vị này đóng vai trò quan trọng cho nỗ lực tiến tới sản xuất máu từ tế bào gốc. Đây là lần đầu tiên máu được nuôi cấy ở phòng thí nghiệm (từ tế bào gốc của người cho) được truyền vào cơ thể. Chúng tôi hào hứng theo dõi các tế bào sẽ vận hành thế nào vào cuối cuộc thử nghiệm”
Nhóm của giáo sư Toye đang theo dõi diễn biến của hai người nhằm phân tích hiệu quả của máu nhân tạo so với máu bình thường. Dự án sẽ lần lượt tiến hành truyền máu nuôi từ tế bào gốc cho ít nhất 10 người tình nguyện. Mỗi người được tiếp nhận 2 đợt truyền máu, cách nhau ít nhất 4 tháng.
“Chúng tôi hy vọng hồng cầu được nuôi trong phòng thí nghiệm có thể bám trụ lâu dài hơn trong cơ thể bệnh nhân so với máu từ người hiến”, báo The Guardian dẫn lời giáo sư Cedric Ghevaert của Đại học Cambridge (Anh), một trong số các nhà nghiên cứu tham gia dự án.
Nếu cuộc thử nghiệm thành công, điều đó có nghĩa là những bệnh nhân hiện phải thường xuyên được truyền máu vì chứng bệnh bẩm sinh có thể giảm được tần suất tiếp nhận máu.
Những người mắc chứng rối loạn máu như thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm và bệnh tan máu bẩm sinh phải phụ thuộc vào việc truyền máu nếu muốn kéo dài sự sống. Một số người cần đến 12 đơn vị máu (1 đơn vị = 500 ml) trong mỗi 4 đến 6 tuần.
Trong khi đó, có những nhóm máu rất hiếm, gây khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn máu hiến phù hợp. Vì thế, nếu dự án thành công, việc tìm kiếm nguồn máu hiếm sẽ trở nên dễ dàng hơn.