Mặt Trời mọc ở chính Đông và lặn ở chính Tây vào ngày nào?

(khoahocdoisong.vn) - Mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây, nhưng tôi thấy mỗi mùa Mặt Trời lại chệch hướng khác nhau, xin hỏi vào lúc nào thì Mặt Trời mới mọc ở chính Đông và lặn ở chính Tây?

Hỏi: Mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây, nhưng tôi thấy mỗi mùa Mặt Trời lại chệch hướng khác nhau, xin hỏi vào lúc nào thì Mặt Trời mới mọc ở chính Đông và lặn ở chính Tây?

Lê Hồng Ngoan (Hà Nội)

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên và Vũ trụ học Việt Nam: Mỗi ngày, Mặt Trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Trái Đất tự quay quanh trục dẫn tới hiện tượng ngày - đêm. Tuy nhiên, thời gian chiếu sáng của Mặt Trời mỗi ngày không phải đúng 12 giờ mà dao động theo mùa. Mùa hè ở Bắc bán cầu là khi Bắc bán cầu hướng về phía Mặt Trời nhiều hơn, khi đó ở Nam bán cầu là mùa đông và ngược lại.

Chuyển động đó dẫn tới việc vị trí biểu kiến (tức là vị trí do góc nhìn của người quan sát) của Mặt Trời thay đổi theo từng ngày trong năm. Điều đó có nghĩa trên thực tế không phải ngày nào trong năm bạn cũng thấy Mặt Trời mọc ở chính Đông và lặn ở chính Tây. 

Trong thiên văn học, thiên đỉnh là thuật ngữ chỉ điểm thẳng đứng trên đầu người quan sát. Thế nhưng, Mặt Trời không chiếu thẳng đứng từ trên xuống, hay  nói cách khác là nó không ở thiên đỉnh. Do vậy, Mặt Trời mọc ở hướng chính Đông và lặn ở chính Tây không phụ thuộc việc nó có đi qua thiên đỉnh vào trưa ngày hôm đó không mà phụ thuộc vào các tia sáng của nó có cùng phương với mặt phẳng xích đạo của Trái Đất không. Câu trả lời là vào xuân phân và thu phân. Xuân phân và thu phân chỉ là một thời điểm (thời điểm Mặt Trời đi qua giao của hoàng đạo và xích đạo trời) chứ không phải một ngày. Chẳng hạn như người ta nói xuân phân năm nào đó rơi vào ngày 20/3 thì có nghĩa là thời điểm đó nằm trong ngày 20/3. Do vậy, thời điểm Mặt Trời mọc chính Đông và lặn chính Tây vào xuân phân và thu phân chỉ mang tính tương đối.

Theo Đời sống
back to top