Để sỏi 6 năm thận mất chức năng
Anh Nguyễn Văn H. (34 tuổi ở Hà Nội) cách đây 6 năm siêu âm phát hiện sỏi nhỏ trong thận, cũng không có biểu hiện gì nên anh không điều trị mà chỉ uống thuốc Nam với hy vọng sỏi tiêu hết. Đến khi anh bị những cơn đau nhói dữ dội cả vùng trước và sau hố lưng, cả vùng hạ sườn, có đái buốt, đái máu anh mới đi khám. Kết quả xét nghiệm chức năng thận đã bị mất hoàn toàn, chi phí điều trị vô cùng tốn kém nhưng chỉ giúp anh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm tính mạng chứ không thể phục hồi thận.
BSCKII Phạm Huy Huyên, Phó Chủ tịch Hội Thận – Tiết niệu miền Bắc, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Thu Cúc cho biết, trường hợp như của bệnh nhân T. không phải là hiếm. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn đầu không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện không rõ ràng đa phần đau lưng nên dễ nhầm bệnh khác, chỉ khi đau dữ dội cấp tính mới nhập viện thì hầu hết đã ở trong tình trạng bệnh rất nặng, có người mang bệnh đã 10-20 năm, không ít người đã bị các biến chứng nặng nề như thận mủ, thận câm ...rất khó cho việc điều trị và rất tốn kém.
Điều khiển tán sỏi qua da không cần phẫu thuật. |
Việt Nam là nước nằm trong “vùng sỏi”, nghĩa là có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu cao trên thế giới. Theo ước tính có 3% dân số (2,5 triệu người) mắc sỏi tiết niệu và có xu hướng ngày càng tăng. Đáng lo ngại là hầu hết ai cũng ngại mổ mà thường “giữ sỏi” trong người. Có bệnh nhân sỏi khá to, đến giai đoạn nguy hiểm vẫn muốn giữ lại để uống thuốc mà không mổ.
Theo BSCKII Phạm Huy Huyên, việc để sỏi trong người là rất nguy hiểm. Sỏi tiết niệu thường gây nhiều biến chứng như cản trở lưu thông nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.
Đặc biệt, sỏi gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu như viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Sỏi gây tình trạng viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng sơ teo thận, huyết áp cao. Nhiều trường hợp bị sỏi ở cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc gây biến chứng suy thận... và tử vong. Sỏi còn gây ra viêm loét và xơ hoá tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi....
Nên chủ động tán sỏi
BS Phạm Huy Huyên chỉnh tư thế nằm tán sỏi cho bệnh nhân. |
BSCKII Phạm Huy Huyên cho biết, ở những nước phát triển, người dân đã chủ động điều trị sỏi ngay khi mới phát hiện bằng phương pháp tán sỏi không phẫu thuật, chỉ sau 30 phút mà không có bất kỳ can thiệp gây đau đớn nào đã loại bỏ được mối nguy cho sức khỏe. Chính vì vậy, tỷ lệ phải mổ mở lấy sỏi khi có biến chứng chỉ chiếm từ 5 – 10%. Ngược lại, ở Việt Nam, con số này lên tới 50 – 70%.
Trong khi đó hiện nay tán sỏi đang được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị bệnh lý sỏi tiết niệu. Với phương pháp tán sỏi công nghệ cao, bệnh nhân không cần phải mổ, sỏi được tán qua da và bệnh nhân có thể ra viện về nhà ngay sau can thiệp với chi phí từ 2,5 – 4,5 triệu đồng.
Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh sau tán sỏi. |
BSCKII Phạm Huy Huyên cảnh báo, sỏi tiết niệu rất hay tái phát nên các bệnh nhân đã phẫu thuật cần lưu ý đến chế độ ăn hằng ngày hợp lý, không ăn quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi...Không nén nhịn khi buồn đi tiểu. Nên uống nhiều nước khoảng 2 lít nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu. Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, dắt thì nên đi khám ngay. Cần siêu âm định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.