Phát hiện này được công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm BMC (Biomedcentral).
Kết quả của các nghiên cứu trước đây cho thấy điện thoại di động thường có tỷ nhiễm khuẩn từ 10% đến 100%.
Nhưng các nghiên cứu thường chỉ nhắm vào phần màn hình cảm ứng phía trước, do phía sau thường được sử dụng ốp bảo vệ, ít được vệ sinh và không được coi là khu vực tiếp xúc nhiều.
Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu cắt ngang để so sánh tỷ lệ nhiễm vi sinh vật được tìm thấy trên màn hình cảm ứng với mặt sau của điện thoại thông minh.
Vi khuẩn được tìm thấy trên mỗi bề mặt sẽ được phân lập riêng biệt. Kết quả nghiên cứu chính là tỷ lệ nhiễm vi sinh vật trên mỗi bề mặt, cũng như các loài vi khuẩn liên quan.
Nghiên cứu bao gồm 84 người (tuổi trung bình 31 tuổi; 63,1% phụ nữ). Thời gian trung bình sở hữu điện thoại hiện tại là 18 tháng, 66 người tham gia (78,6%) có miếng dán bảo vệ trên màn hình cảm ứng và 69 người (82,1%) có dán bảo vệ phía sau.
Ngoài ra, 23 người tham gia (27,4%) có sử dụng điện thoại của mình ở cạnh giường bệnh nhân.
70 người (83,3%) nhận ra rằng điện thoại di động chứa nhiều vi khuẩn và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, nhưng chỉ có 9 người (10,7%) thường xuyên vệ sinh điện thoại.
Trong số 84 thiết bị được phân tích, phát hiện 49 thiết bị (58,3%) bị nhiễm vi khuẩn, 27 thiết bị (32,1%) có màn hình cảm ứng bị nhiễm, 39 thiết bị (46,6%) nhiễm ở bề mặt phía sau và 17 thiết bị (20,2%) nhiễm trên cả 2 bề mặt.
Rõ ràng, tần suất nhiễm khuẩn trên bề mặt sau cao hơn so với màn hình cảm ứng.
Mặc dù bề mặt phía sau không thường xuyên được chạm vào như màn hình cảm ứng, nhưng nó vẫn có thể là ổ truyền nhiễm vi khuẩn trong bệnh viện.
Do đó, nên làm sạch bề mặt phía sau của điện thoại thông minh thường xuyên, tương tự như màn hình cảm ứng, để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt là khu ICU.