Trong khi các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, mất ngủ và căng thẳng thường xuất hiện cùng nhau, thì nghiên cứu mới của Mỹ lần đầu tiên chứng minh rằng, mất ngủ gây thiệt hại cho não nhiều hơn là các loại rối loạn lo âu.
Giấc ngủ là sức khỏe tinh thần
TS. Andrea Goldstein Đại học California cho biết, rất khó để biết chính xác mất ngủ đơn giản chỉ là một hậu quả của sự lo lắng, hay chính giấc ngủ gây ra sự lo lắng. Trong thí nghiệm của mình, nhóm nghiên cứu đã quét não của 18 thanh niên khỏe mạnh khi cho họ xem hàng chục hình ảnh trong hai lần. Lần đầu tiên sau khi có một đêm ngon giấc và lần thứ hai là sau một đêm không ngủ. Những người tham gia thí nghiệm bộc lộ sự lo lắng ban đầu, nhưng không phù hợp với những tiêu chí của một rối loạn lo âu lâm sàng. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã cho các tình nguyện viên xem tiếp 90 hình ảnh khác trong 45 phút. Để kích hoạt sự lo lắng trước kỳ hạn, các nhà nghiên cứu đã đánh dấu hiệu vào trong các hình ảnh: Dấu gạch ngang lớn màu đỏ báo hiệu cho người xem là họ sắp nhìn thấy một hình ảnh rất khó chịu (có thể là hình ảnh về cái chết); Vòng tròn đỏ màu vàng báo trước một hình ảnh trung tính (tranh tĩnh vật, phong cảnh); Một dấu hỏi màu trắng được in lên những hình ảnh ghê rợn hoặc nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt.
Khi bị thiếu ngủ và phải thấp thỏm dự đoán sẽ được xem loại hình ảnh nào, hoạt động xử lý cảm xúc trong trung tâm não của tất cả những người tham gia tăng vọt. Đáng chú ý, sự khuếch đại tác động của thiếu ngủ là mạnh nhất đối với những người hay bị lo lắng từ trước. Phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ chính là sức khỏe tinh thần, có một mối quan hệ mật thiết giữa rối loạn giấc ngủ và tâm thần. Sau nghiên cứu, các chuyên gia rút ra, ngủ đủ giấc nên là một trong những ưu tiên hàng đầu để cơ thể không bị căng thẳng, mệt mỏi.
Tập luyện và ăn uống để ngủ tốt
Mỗi người lớn cần ngủ từ 7-8 giờ/ngày. Ngủ đủ giúp ăn ngon miệng, tăng ham muốn tình dục, ổn định cân nặng, ngăn ngừa nguy cơ đái tháo đường, tăng cường hệ miễn dịch. Muốn ngủ đủ phải tạo ra không khí trước khi đi ngủ nhẹ nhàng, thoải mái bằng việc tắt tivi, điện thoại, tắm nước ấm, uống sữa trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ.Tuyệt đối không uống cà phê, nước chè, nước uống có ga, chocolate vào buổi chiều muộn hoặc tối. Một số người muốn có giấc ngủ sâu đã đi bộ, chạy trước khi đi ngủ nhưng điều này là phản tác dụng. Tập luyện thể thao giúp cơ thể có giấc ngủ ngon, ngủ sâu nhưng việc tập trước lúc đi ngủ làm giấc ngủ tới khó khăn bởi cơ thể vẫn quen với quán tính đang hoạt động, đang bị kích động. Nếu muốn tập thể thao, tốt nhất nên kết thúc việc tập trước 3 giờ tính từ lúc đi ngủ để cơ thể có giấc ngủ sâu hơn. Muốn ngủ đủ giấc nên tránh các công việc quá áp lực, gây căng thẳng, mệt mỏi quá mức về mặt cơ thể.
Đối với thực phẩm, nên ăn uống đủ chất, điều độ, đúng giờ, tránh ăn quá nhiều gia vị, tránh dùng các chất kích thích. Nên tập cho mình thói quen đi ngủ và thức giấc đúng giờ, tránh thức quá khuya. Khi thực hiện hết các biện pháp mà khó ngủ, ngủ không sâu, không đủ giấc có thể sử dụng một số bài thuốc đông y để cải thiện giấc ngủ. Ở nông thôn có thể dùng độc vị cây xấu hổ hoa tím (cây mắc cỡ) 15g hoặc phối hợp với cúc bạc đầu 15g, chua me đất 30g sắc uống hằng ngày vào buổi tối và trước khi đi ngủ 30 phút. Dùng cho người lao động trí óc, suy nhược thần kinh, tim hồi hộp, mất ngủ…Có thể dùng nhân hạt táo chua 20g đập dập sắc uống trong ngày. Vào mùa này nhãn tươi nhiều, có thể lấy 100g cùi nhãn tươi với 200ml nước nấu canh để nguội dùng hàng ngày, trước khi đi ngủ 30 phút. Canh từ cùi nhãn tươi giúp cho việc lưu thông máu lên não trở nên dễ dàng, tránh suy nhược thần kinh, giúp giảm căng thẳng, đau đầu, cơ thể dễ đi vào giấc ngủ.
BS. Nguyễn Văn Nam (Phùng Khoang, HN)