Khi bị huyết áp cao ác tính nên thường xuyên kiểm tra đáy mắt
Thông thường, nói đến ác tính là nói đến ung thư. Nhưng huyết áp cao ác tính lại không do ung thư. Bệnh chiếm 1% người bị cao huyết áp. Nó hay xảy ra ở phụ nữ bị nhiễm độc thai, bệnh nhân mắc các bệnh thận như viêm thận, teo hẹp động mạch thận.
Đây là bệnh rất nặng, trong đó huyết áp cao đột ngột, làm tổn hại đến mắt, thận, não. Một vài bộ phận trên cơ thể phục hồi sau điều trị, một vài bộ phận khác thì tổn hại vĩnh viễn. Cơ chế huyết áp cao gây ảnh hưởng tới mắt là do: huyết áp gồm huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu, lúc tim bóp) phản ánh áp lực máu trong các mạch lớn. Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương, lúc tim nghỉ) là áp lực của các mạch máu nhỏ, thí dụ mạch trong não, trong đáy mắt.
Hiện tượng xuất huyết não và đáy mắt là do vỡ các mạch nhỏ này. Các mạch máu võng mạc có kích thước và bề dày giống mạch máu não và giống nhiều nhất với mạch bèo khía, còn gọi là bèo vân của não (lenticulo-strés).Người tăng huyết áp ác tính có thể bị phù đĩa thị, vết gòn (do xuất tiết), xuất huyết võng mạc, có nguy cơ dẫn tới mù lòa.
Ngoài ra, khi bị huyết áp cao ác tính, ngoài mờ mắt, người bệnh còn cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, mất ngủ, nói nhảm, khó thở, ói mửa, yếu tay chân, tức ngực…Vì vậy, người tăng huyết áp ác tính cần nhập viện khẩn cấp cho đến khi huyết áp được kiểm soát. Đặc biệt, cần soi đáy mắt. Soi đáy mắt chẳng khác gì cho các mạch não soi gương. Người soi thấy được gián tiếp hình ảnh của các mạch máu nhỏ trong não.
Từ kết quả soi đáy mắt, các thầy thuốc tim mạch sẽ có biện pháp điều trị tích cực và thường xuyên hơn nữa cho người bệnh. Biện pháp này cũng giúp thầy thuốc nhãn khoa có biện pháp điều trị cho con mắt đang có nguy cơ dẫn tới mù lòa, để phối hợp nhịp nhàng giữa 2 chuyên khoa mắt – tim mạch.
BS Nguyễn Cảnh (Bệnh viện mắt TƯ)