<div> <p>Virus corona gây viêm phổi mới được phát hiện có nguy cơ nhấn chìm Trung Quốc. Nó đã lây lan ra khỏi biên giới của nước này. Chính phủ và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang nỗ lực tạo ra một loại vắc xin phòng ngừa chủng virus corona mới này. Nhưng liệu mất bao lâu để loại vắc xin trên được nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng?</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Mat bao lau de tim ra vac xin virus Vu Han? hinh anh 1 Screenshot_1.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/25/screenshot_1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đại dịch SARS được cho là có liên hệ với virus Vũ Hán. Ảnh: <em>Getty</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo <em>Gizmodo</em>, virus 2019-nCoV hay còn gọi là virus Vũ Hán sau khi được phát hiện vào tháng 12/2019 đã bắt đầu lây lan. Tính đến ngày 27/1, có gần 3.000 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận. Trong đó có 81 trường hợp tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc. Nhưng một số nhà dịch tễ học ước tính số ca mắc bệnh thực tế ở Trung Quốc có thể lên đến 100.000 người.</p> <p>Bên ngoài Trung Quốc, các trường hợp nhiễm bệnh cũng đã được phát hiện. Theo <em>Gizmodo</em>, một số nhà nghiên cứu y tế cộng đồng cảnh báo rằng có thể quá muộng để ngăn cản sự bùng phát của dịch.</p> <h3>Tốc độ tìm ra vắc xin đang được cải thiện</h3> <p>Đây không phải lần đầu tiên trong những năm gần đây các nhà khoa học được giao nhiệm vụ tạo ra một loại vắc xin cho đại dịch. Năm 2014, nhân loại từng chứng kiến sự bùng nổ của virus Ebola. Năm 2016, virus Zika lan rộng khắp châu Mỹ. Thế nhưng, hiện tại chỉ có một loại vắc xin Ebola được phê duyệt. Trong khi đó, vắc xin cho virus Zika vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.</p> <p>Mặc dù vậy, sự chậm trễ trong việc tìm vắc xin không được lặp lại với chủng virus 2019-nCoV năm nay.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Mat bao lau de tim ra vac xin virus Vu Han? hinh anh 2 Screenshot_2.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/14/screenshot_2.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Tốc độ giải mã gen virus Vũ Hán được đánh giá là khá nhanh. Ảnh: <em>Getty</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p><span>"Chúng tôi đang làm việc để tạo ra vắc xin. Hy vọng trong 3 tháng, chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn I ở người", Anthony Fauci, G</span><span>iám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói với <em>Bloomberg</em> tuần trước. </span></p> <p>Theo đó, nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhân loại sẽ thực nghiệm thành công vắc xin cho virus Vũ Hán trên người vào đầu mùa hè 2020.</p> <p>Theo <em>Gizmodo</em>, nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là thời gian ngắn nhất trong lịch sử cho việc tìm ra vắc xin của một đại dịch. Nó phản ánh tốc độ mà các nhà nghiên cứu toàn cầu cùng nhau chống lại một kẻ thù chung.</p> <p>Chỉ trong vài ngày từ lúc 2019-nCoV được phát hiện tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nước này đã giải mã thành công bộ gen của virus. Quan trọng hơn, họ đã chia sẻ minh bạch việc giải mã di truyền cho các nhà khoa học thế giới. Sự minh bạch đó cho phép các nhà khoa học khắp nơi nhanh chóng bắt tay vào tạo ra vắc xin.</p> <p>Trung tuần tháng 1, tạp chí <em>Science </em>báo cáo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã ký hợp đồng với công ty công nghệ sinh học Moderna để bắt đầu nghiên cứu vắc xin virus Vũ Hán. Tuần trước, Liên minh Phát triển Dịch tễ Dự phòng tuyên bố họ đã tài trợ ba nhóm nghiên cứu tạo ra vắc xin. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu độc lập khác cũng bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo vắc xin.</p> <h3>Thiếu kinh phí để nghiên cứu lâu dài</h3> <p>"Trong quá khứ, chúng tôi đã bỏ lỡ hai loại vắc xin. Một là vắc xin cho các đại dịch như Ebola hoặc SARS. Loại thứ hai là các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Lý do chính là các công trình nghiên cứu vắc xin đó không thể khiến các nhà đầu tư kiếm được tiền", nhà nghiên cứu Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor nói.</p> <p>Theo nhà nghiên cứu Hotez, ông đã làm việc nhiều năm với loại virus gây ra SARS. Chủng virus này cũng có liên hệ chặt chẽ với virus 2019-nCoV năm nay.</p> <p>Năm 2017, nhóm của ông đã công bố có thể sản xuất hàng loạt loại vắc xin an toàn, dễ làm để ngăn ngừa SARS. Toàn bộ nghiên cứu của Hotez được tài trợ bởi NIH. Thế nhưng, chính phủ từ chối trợ cấp thêm tiền để họ nghiên cứu sâu hơn bởi điều đó không còn cần thiết.</p> <p>SARS trở thành đại dịch năm 2002. Trong 6 tháng, nó được phát hiện trên 8.000 người và cướp đi mạng sống của 800 người, chủ yếu là ở Trung Quốc. Nhưng đến tháng 7/2003, chủng virus này dường như đã tuyệt chủng. Điều này khiến các nỗ lực nghiên cứu sâu hơn về SARS không được chú trọng vì không còn tạo ra lợi nhuận.</p> <p>"Tuy nhiên, sự bùng phát của virus Vũ Hán cho thấy có rất nhiều loại corona virus khác có nguy cơ thành đại dịch như SARS đã làm. Trong một thế giới ưu tiên phát triển vắc xin chủ động như hiện nay, đáng lẽ chúng ta đã có thể chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch Vũ Hán", ông Hotez nói.</p> <p>"Đó là sự thất vọng lớn nhất của chúng tôi. Khi hết SARS, không ai muốn đầu tư để nghiên cứu vắc xin về nó. Vì vậy, trong 3-4 năm qua, dự án nghiên cứu bị cho vào ngăn đông lạnh và lãng quên. Nếu chúng ta có một hệ thống dự đoán tốt hơn, vắc xin Vũ Hán có thể đã được nghiên cứu trước khi nó lây lan", Hotez chia sẻ.</p> <p>Nhà nghiên cứu Hotez cho biết ông đã đàm phán với NIH và các cơ quan liên bang khác để khởi động lại nghiên cứu của nhóm mình để mau chóng tìm ra vắc xin.</p> </div> <p> </p>